COVID-19 đẩy chứng khoán giảm sâu

10/03/2020 10:22

Ngày 9.3, giá vàng và chứng khoán trong nước và thế giới đã có một ngày biến động "điên cuồng". Trong đó, giá vàng khi tăng lên đỉnh rồi đảo chiều rơi mạnh.


Khách hàng đến giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vào chiều 9.3

Đố ai đoán được giá vàng!

Giá vàng thế giới đầu ngày 9.3 (giờ Việt Nam) đã vượt 1.700 USD/ounce lần đầu tiên sau hơn 7 năm sau khi tăng 27,5 USD/ounce. Thế nhưng ngay sau đó giới đầu tư đã tung ra bán chốt lời đẩy giá vàng thế giới giảm một lèo 40 USD/ounce. Cuối ngày 9.3, giá vàng thế giới về mức 1.676 USD/ounce.

Diễn biến của giá vàng thế giới khiến giá vàng trong nước chỉ ở mức đỉnh 48,2 triệu đồng/lượng vài tiếng ngắn ngủi rồi rớt mạnh. Có thời điểm giá bán vàng miếng SJC chỉ còn 47,45 triệu đồng/lượng, sau đó tăng trở lại và chốt ở mức 47,85 triệu đồng/lượng vào cuối ngày. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước đang cao hơn tới 850.000 đồng/lượng.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy dù giá vàng ngày 9.3 tăng cao nhưng giao dịch ảm đạm. Một số công ty vàng cho biết sở dĩ giá vàng trong nước giảm nhanh là vì lực bán quá lớn trong khi mãi lực rất thấp. Chiều 9-3 tại Công ty SJC rất thưa vắng người mua người bán.

Nhiều người mua vàng ở mức giá 40 triệu đồng/lượng trước đây đã bán "hụt" khi giá vàng lên 49 triệu đồng/lượng nay đã tranh thủ tung ra bán chốt lời. Cộng với đà giảm của giá vàng thế giới khiến giá vàng trong nước rơi tự do.

Các chuyên gia cảnh báo dù có những tác động như dịch COVID-19 lan rộng, Triều Tiên bắn tên lửa và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản... nhưng giá vàng cũng có khả năng đi xuống. Đó là vì các tổ chức đã mua vào quá nhiều vàng và đang đợi cơ hội để chốt lời.

Đổ tiền mua khi chứng khoán giảm kỷ lục

Phiên giao dịch ngày 9.3 của thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cuộc bán tháo "lịch sử", chỉ một phiên, vốn hóa toàn thị trường "bốc hơi" tới 191.271 tỷ đồng, tức trên 8,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào bắt đáy khá mạnh, thanh khoản trên sàn HOSE cao hơn 5.561 tỷ đồng. Dù vậy, lực bán vẫn mạnh, chỉ riêng khối ngoại đã bán ròng hơn 220 tỷ đồng, dẫn đến việc Việt Nam-Index chỉ có 34 mã tăng giá, 14 mã đứng giá và có đến 368 mã giảm giá, bao gồm 162 mã nằm sàn.

Chốt phiên, Việt Nam-Index rớt đến 55,95 điểm (-6,28%) xuống mốc 835,49 điểm. Đây cũng là số điểm thấp nhất kể từ đầu tháng 11.2017. Đóng cửa ngày giao dịch, sàn HNX cũng giảm 7,31 điểm (-6,43%) xuống 106,34 điểm. Nhóm HNX30 rớt tiếp 15,36 điểm (-7,36%) xuống còn 193,47 điểm.

Việc bán tháo gần như diễn ra ở tất cả các ngành. Trong đó giảm điểm mạnh phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng, khai khoáng, bất động sản, công nghệ - thông tin, chứng khoán...

Kể cả khi người dân đang có xu hướng tích cực mua sắm thực phẩm, đồ uống thì hàng loạt mã cổ phiếu của nhóm ngành liên quan bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn rớt giá mạnh, bao gồm: mã MSN (Công ty cổ phần Tập đoàn Masan) giảm 4,41%, mã Việt NamM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) nằm sàn vì giảm 6,91%...

Ông Huỳnh Minh Tuấn (Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset) cho rằng thông tin về ca nhiễm số 17 lan đi và sau đó hơn 10 ca được công bố đã tạo áp lực tâm lý mạnh lên thị trường chứng khoán. Diễn biến phức tạp của COVID-19 đã khiến nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng thoát khỏi thị trường để bảo toàn vốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Dũng Khánh (Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng) nhận định việc thị trường giảm điểm mạnh hôm nay cho thấy tâm lý nhà đầu tư lo lắng trên diện rộng vì lo ngại dịch COVID-19 tái diễn ở Việt Nam. Song song đó, thị trường bị tác động dồn dập bởi hàng loạt yếu tố u ám như giá dầu giảm mạnh nhất trong 30 năm qua, thị trường chứng khoán châu Á rớt điểm, lãi suất trái phiếu đang ở mức thấp trong lịch sử...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    COVID-19 đẩy chứng khoán giảm sâu