Theo giới chuyên gia, Châu Á có thể chịu hậu quả từ Covid-19 nặng nề hơn Mỹ và châu Âu do một số nước thiếu nguồn lực ứng phó.
Người dân Indonesia mua hàng ở Jakarta ngày 2.4. Ảnh: Reuters
"Nếu Covid-19 tràn qua một số nước châu Á theo cách xuất hiện ở châu Âu và Mỹ, số ca nhiễm và số người chết sẽ gia tăng trầm trọng", giáo sư Yik Ying Teo, Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock, Đại học quốc gia Singapore, nói với phóng viên.
Teo cho rằng nhiều nước ở châu Á không có đủ các nguồn lực về tài chính và chuyên môn như phương Tây để ứng phó với dịch bệnh. Ông lưu ý tại các quốc gia có nguồn lực tốt như Mỹ và châu Âu, Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề, khiến hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh và hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Giáo sư người Singapore cảnh báo nhiều khả năng dịch sẽ lan rộng ở châu Á, giống với tình trạng ở châu Âu và Mỹ. Tại một số nước ở châu Á, số ca nhiễm mới tăng từng ngày, cho thấy dấu hiệu "đáng quan ngại".
Đến ngày 7.4, Đông Nam Á ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm mới. Số ca nhiễm mới ở Indonesia tăng kỷ lục, thêm hơn 240 ca trong vòng 24 giờ. Malaysia báo cáo nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất khu vực, gần 4.000, nhưng nước xác nhận nhiều người chết nhất trong khu vực là Indonesia, hơn 220 trong hơn 2.700 ca nhiễm.
Nhật Bản và Singapore đang có nguy cơ "vỡ trận" trước Covid-19. Ngày 7.4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Tokyo và 6 khu vực khác do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Riêng Tokyo ghi nhận hơn 1.000 ca. Động thái của Nhật Bản diễn ra sau khi Singapore đóng cửa trường học, công sở trong 30 ngày. Số người nhiễm ở Singapore cũng vượt 1.300.
"Với những nơi mà diễn biến đang xấu đi, trong đó có Singapore và Nhật Bản, phản ứng phù hợp là điều sống còn. Các biện pháp bao gồm hạn chế đi lại và hạn chế tương tác của người dân để ngăn Covid-19 lây lan", Teo nói.
Tiến sĩ Mark Lurie, Trường Y tế công cộng, Đại học Brown, Mỹ, bày tỏ lo ngại với tình hình ở TP Mumbai của Ấn Độ, nơi có nhiều khu ổ chuột của dân nghèo. Lurie cho rằng mật độ dân cư đông đúc sẽ khiến chính sách cách biệt cộng đồng khó thực hiện.
Trên phạm vi toàn cầu, Lurie đánh giá số ca nhiễm vượt mốc một triệu người hôm 3.4 là "khoảnh khắc nghiệt ngã". Ông dự đoán ca nhiễm thực tế còn cao hơn nhiều con số được thống kê chính thức do các nước không có đủ thiết bị xét nghiệm hoặc người bệnh "chưa đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm".
"Chúng ta không biết về số ca nhiễm thực tế, về những người chưa được kiểm tra", Lurie nói.
Nói đến những dấu hiệu tích cực, giáo sư Teo cho rằng tình hình ở châu Á không phải "xấu đều". Thực tế có những tấm gương xử lý tốt Covid-19 là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Ông cho rằng nếu duy trì việc xét nghiệm, truy tìm các ca nghi nhiễm, cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh, các nước sẽ kiểm soát được dịch. Teo khuyến cáo các nước thay vì tập trung vào nỗ lực của quốc gia, cần hợp tác để có "phản ứng của toàn cầu" trước Covid-19. Khi đó, các nước có ít nguồn lực sẽ được hỗ trợ.
Tiến sĩ Lurie cho rằng đã xuất hiện dấu hiệu Covid-19 hạ nhiệt ở châu Âu. Ngày 6.4, số ca nhiễm mới tại Đức thấp hơn 2.200 trường hợp so với một ngày trước đó, đánh dấu ngày giảm thứ 4 liên tiếp. Số ca nhiễm Covid-19 mới và ca tử vong cũng giảm tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp cuối tuần vừa qua. Điều đó mang lại hy vọng là khi áp dụng chiến lược như nhau, các nước sẽ có kết quả tốt tương tự.
Tuy nhiên, Lurie cảnh báo nếu các nước dỡ bỏ lệnh hạn chế trên diện rộng, dù trong điều kiện hoàn hảo, vẫn có nguy cơ xuất hiện các cụm dịch.
"Kịch bản tệ nhất lúc này là chúng ta trở lại sinh hoạt bình thường quá sớm trước khi có các dữ liệu bảo đảm", Lurie nói.
Theo VnExpress