Tính đến ngày 15.1, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã phân phối 1 tỉ liều vaccine COVID-19. Tiến độ của chương trình bị chậm lại do việc tích trữ ban đầu của các quốc gia giàu có.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại thủ đô Lima, Peru - Ảnh: REUTERS
Nguồn cung vaccine cho các nước nghèo từ lâu đã rất hạn chế vì các quốc gia giàu có đặt hàng trước hầu hết lượng vaccine có sẵn từ tháng 12.2020.
Song, tổ chức Gavi cho biết trong quý vừa qua, số lô hàng đã tăng theo cấp số nhân đã cho phép COVAX đưa 1 tỉ liều vaccine đến 144 quốc gia.
Gavi là một trong những đơn vị phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong COVAX.
COVAX ra mắt vào năm 2020 với mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, tiến độ của chương trình bị chậm lại do việc tích trữ ban đầu của các quốc gia giàu có, các quy định hạn chế xuất khẩu và những thay đổi thường xuyên trong tổ chức của mình.
COVAX bắt đầu phân phối vaccine vào tháng 2.2021.
Theo hãng tin Reuters, khoảng 1/3 lượng vaccine của COVAX là do các quốc gia giàu có quyên góp, khác với kế hoạch ban đầu của COVAX là chỉ cung cấp các mũi tiêm do chương trình mua trực tiếp với ngân sách hơn 10 tỉ đôla do các nhà tài trợ quyên góp.
Việc thay đổi chiến lược này cũng phần nào gây ra chậm trễ, vì các nhà tài trợ thường yêu cầu gửi vaccine đến các quốc gia do họ lựa chọn.
Bất chấp số lượng được phân phối tăng lên, sự bất bình đẳng về vaccine vẫn ở mức cao.
Dữ liệu mới nhất của WHO cho thấy 67% dân số ở các quốc gia giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo hơn.
Hơn 40% dân số thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên.
Gavi đang tìm kiếm thêm tài trợ để đạt được mục tiêu của WHO là hoàn thành tiêm vaccine cho 70% dân số các nước nghèo vào tháng 7.2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế Peru Hernando Cevallos đã kêu gọi các công ty sản xuất vaccine COVID-19 kéo dài hạn sử dụng, thay vì hết hạn trong vòng 3 tháng như hiện nay, nhằm giảm nguy cơ phải vứt bỏ vaccine.
Theo Reuters, ông Cevallos cho biết Chính phủ Peru đã yêu cầu một trong những phòng thí nghiệm cung cấp vaccine cho Peru giao vaccine có hạn sử dụng lên đến 6 tháng.
Tuy nhiên, phòng thí nghiệm này đã từ chối với lý do hạn sử dụng đã được định ra từ trước.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã sửa đổi hướng dẫn về việc đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi COVID-19.
Cụ thể, CDC khuyến nghị người dân đeo "khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt nhất có thể tìm được".
Trong khi đó, giới chức trách Úc dự đoán quốc gia của họ nhiều khả năng đã gần đạt đến đỉnh điểm của làn sóng biến thể Omicron.
Song, các quan chức cũng cảnh báo số ca nhiễm mỗi ngày vẫn sẽ xấp xỉ mức kỷ lục trong vài tuần tới, sau khi ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm trong ngày thứ tư liên tiếp.
Dù nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, Úc hiện hứng chịu số ca mới mỗi ngày cao kỷ lục vì biến thể Omicron.
Bộ Y tế Iran đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể Omicron vào ngày 15.1.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Mohammad Hashemi cho biết những trường hợp này đến từ 3 thành phố Tabriz, Yazd và Shahrekord. Iran đã có 1.162 người nhiễm biến thể Omircon và có 1 bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện ở thành phố Ahvaz.
Brazil ghi nhận thêm 48.520 ca nhiễm và 175 trường hợp tử vong do COVID-19 trong ngày 15.1.
Pháp có 3.852 bệnh nhân COVID-19 phải ở phòng chăm sóc đặc biệt trong ngày 15.1, giảm 43 người so với thứ sáu. Số người chết vì COVID-19 tại các bệnh viện Pháp tăng thêm 148 người, lên 99.657 người.
Ý báo cáo thêm 180.426 ca nhiễm và 308 trường hợp tử vong trong ngày 15.1, giảm so với 186.253 ca nhiễm và 360 ca tử vong một ngày trước đó.
Anh công bố 81.713 ca nhiễm mới. Số lượng ca COVID-19 mới tại Anh trong tuần này đã giảm gần 33% so với tuần trước.
Indonesia báo cáo 1.054 ca COVID-19 - mức kỷ lục theo ngày trong vòng 3 tháng qua.
Theo Tuổi trẻ