Quốc hội Cuba đã bầu ra các chức danh lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua tháng 2.2019.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Cuba ở thủ đô La Habana
Sự kiện này được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đảo quốc Caribe.
Bầu các chức danh quan trọng theo Hiến pháp mới
Trong phiên họp bất thường ngày 10.10 (rạng sáng 11.10 giờ Hà Nội), với 579 phiếu ủng hộ trên tổng số 580 phiếu bầu, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã được Quốc hội nước này bầu chọn vào cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa, chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục và quy định là người đứng đầu bộ máy nhà nước.
Cũng trong phiên họp, Quốc hội Cuba đã bầu Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Salvador Valdes Mesa vào cương vị Phó Chủ tịch nước, với tỷ lệ phiếu ủng hộ 569/580 phiếu bầu.
Trước đó, cũng trong phiên họp này, với 579/580 phiếu ủng hộ, các đại biểu Quốc hội Cuba đã bầu Chủ tịch Quốc hội Juan Esteban Lazo Hernández tiếp tục đảm nhiệm cương vị này trong nhiệm kỳ tới năm 2023, đồng thời cũng theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua năm 2019, ông sẽ kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - cơ quan thường vụ của Quốc hội với tổng số 21 thành viên cũng được bầu cùng thời điểm.
Quốc hội Cuba cũng bầu đồng chí Ana María Mari Machado tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, trong khi đồng chí Homero Acosta Álvarez, Thư ký Hội đồng Nhà nước, được bầu giữ chức Thư ký Quốc hội Cuba.
Theo quy định của Hiến pháp mới, các đồng chí Esteban Lazo, Ana María Mari Machado và Homero Acosta cũng sẽ lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng Nhà nước - cơ quan thường vụ của Quốc hội Cuba. Đây là lần đầu tiên từ 40 năm qua, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba không phải là người đứng đầu Nhà nước.
Quốc hội Cuba cũng bầu ra 18 thành viên còn lại của Hội đồng Nhà nước, trong đó có 4 thành viên mới. Cũng theo quy định của Hiến pháp mới, các thành viên Hội đồng Nhà nước sẽ không được xem xét bầu vào Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để đảm bảo hoạt động độc lập của các ngạch quyền lực.
Trong diễn văn nhậm chức, tân Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh: “Cách mạng không phải là cuộc đấu tranh vì hiện tại, mà là cuộc đấu tranh vì tương lai; cách mạng luôn đặt tầm nhìn của mình vào tương lai và vào Tổ quốc. Xã hội mà chúng ta nhận thức là công bằng và xứng đáng với mọi con người, là xã hội của ngày mai”.
Sau khi nêu bật những đóng góp to lớn cùng tầm nhìn vượt thời đại của lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raúl Castro, người đứng đầu Nhà nước Cuba khẳng định các ông đã làm thay đổi vận mệnh đất nước Cuba trong chặng đường suốt 60 năm qua, đào tạo ra nhiều thế hệ những con người cách mạng mới và “đất nước giờ đây có cam kết là làm cho nẩy nở, sinh sôi những trí tuệ, tài năng mà Cách mạng đã hun đúc”.
Cột mốc quan trọng
Ngày 10.10.1868 là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập đầu tiên của Cuba (1868-1878) và bản Tuyên ngôn của Hội đồng cách mạng Cuba - khi đó vẫn là thuộc địa của Tây Ban Nha - được phát đi trong ngày lịch sử ấy có đoạn viết: “Cuba khát khao được trở thành một quốc gia vĩ đại và văn minh, để mở rộng vòng tay bạn bè và trái tim bác ái tới mọi dân tộc trên thế giới”. Ước mơ cao cả đó bắt đầu trở thành hiện thực với thắng lợi của cuộc cách mạng 1959 dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Fidel Castro.
Trong 60 năm qua, khó có thể liệt kê hết những thử thách mà nhân dân Cuba đã phải đương đầu, từ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đã gây ra cho Cuba thiệt hại về vật chất trị giá 138,843 tỷ USD, tương đương 922,63 tỷ USD đến cuộc tấn công quân sự trực tiếp trong 72 giờ tại bãi biển Girón, cho tới những chính sách và chiến dịch “kín đáo” hơn như đánh tháo chất xám, các tài năng thể thao và nghệ thuật, chiến dịch Mangosta nhằm phá hoại các trung tâm kinh tế của Cuba, nhiều hoạt động chiến tranh sinh học đánh vào cây trồng, vật nuôi chủ chốt, thậm chí là hàng loạt âm mưu và hành động ám sát nhắm vào các nhà lãnh đạo và thường dân Cuba, trong đó chỉ riêng lãnh tụ Fidel đã trải qua hơn 600 vụ mưu sát bất thành. Còn phải kể tới những hành động can thiệp nội bộ, cô lập về quốc tế mà các lực lượng hữu khuynh nước ngoài thực hiện nhằm ngăn cản sức lan tỏa của ngọn lửa cách mạng Cuba.
Dẫu vậy, cũng trong 60 năm qua, khó thống kê hết những thành tựu đáng tự hào mà “Hòn đảo tự do” đã đạt được trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội với chính sách phát triển lấy con người làm trọng tâm. Nền giáo dục và hệ thống y tế toàn dân, miễn phí có chất lượng, chiến lược xây dựng nền văn hóa mới vừa dựa trên những tinh hoa dân tộc vừa rất cởi mở với những giá trị toàn cầu, chương trình phát triển khoa học - kỹ thuật bài bản với chọn lựa điểm nhấn phù hợp…
Đặc biệt, năm 2019, Cuba đã và sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục công cuộc Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, cũng chưa phải lần cuối, Cuba đương đầu với khó khăn, và như từng được chứng minh trong suốt con đường cách mạng, Cuba sẽ tìm ra cách vượt qua sóng gió, từ trí tuệ và sự đoàn kết của nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản.
Điều đó phần nào đã được chứng minh qua cuộc thăm dò ý kiến dư luận cho dự thảo Hiến pháp mới vừa qua: 8,9 triệu lượt người dân tham gia các cuộc họp với hơn 1,7 triệu ý kiến đóng góp, dựa vào những ý kiến này, Ban soạn thảo Hiến pháp mới đã tiến hành tới 760 thay đổi cho một văn bản vốn được soạn thảo một cách công phu và chuyên nghiệp. Những con số ấy còn cho thấy một sự thật khác: Đảng và nhân dân Cuba ý thức rất rõ về những khiếm khuyết và tồn tại của tiến trình cách mạng, cũng ý thức rất rõ rằng chỉ họ mới có quyền đưa ra những thay đổi cho vận mệnh đất nước.
Và đến ngày 25.2, kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân cho thấy cử tri Cuba đã thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 73,31% trên tổng số cử tri đăng ký. Cuộc trưng cầu ý dân này đã khép lại quá trình cải tổ hiến pháp toàn diện, được chuẩn bị và khởi động từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 2011, và bắt đầu chính thức từ kỳ họp Quốc hội khóa IX hồi tháng 7 vừa qua với việc thảo luận bản tiền dự thảo Hiến pháp mới.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 229 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Đây sẽ là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, tiếp sau Hiến pháp 1976 hiện hành, mới được bổ sung sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002. So với hệ thống của bản Hiến pháp 1976, Hội đồng Nhà nước - vốn là cơ quan thường vụ của Quốc hội - sẽ quay về với chức năng lập pháp và giám sát thuần túy hơn, không còn là cơ quan trực tiếp đưa ra những quyết sách cụ thể.
Một chức danh nữa cũng được Hiến pháp 2019 khôi phục là Thủ tướng Chính phủ, thường được hiểu là vị trí thay thế trực tiếp cho chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trước đây, nhưng sẽ gánh vác trọng trách hành pháp trọn vẹn hơn. Theo lộ trình dự kiến, trong kỳ họp thường kỳ cuối năm vào tháng 12 tới, tân Chủ tịch nước sẽ đề cử ứng viên Thủ tướng để Quốc hội bỏ phiếu thông qua.
Cũng theo quy định, tất cả những người giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước kể trên đều phải được bầu chọn trong số các đại biểu Quốc hội, và nhiệm kỳ sẽ chính thức bắt đầu kể từ khi được Quốc hội bầu chọn hoặc thông qua, với quy định mỗi người chỉ được đảm nhiệm một chức danh lãnh đạo tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm.
Đây chính là cột mốc khởi đầu trong quá trình tái cơ cấu bộ máy Nhà nước Cuba theo hướng pháp quyền hiện đại và phân lập quyền lực rõ ràng hơn, tạo nền tảng cho việc phát triển đất nước trong giai đoạn lịch sử mới nói chung, và công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” nói riêng.
Bởi vậy, giới chuyên gia đánh giá phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba ngoài mục đích triển khai theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua còn là sự kiện quan trọng trong quá trình tìm kiếm “nguồn năng lượng mới” cho công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” của “Hòn đảo tự do”.
“Nguồn năng lượng mới”
Trên thực tế, “nguồn năng lượng mới” đã được nhắc tới nhiều tại Cuba trong thời gian gần đây, bắt nguồn từ những “khó khăn về năng lượng”, theo đúng khái niệm của đồng chí Miguel Diaz-Canel.
Cụ thể, một loạt biện pháp trừng phạt của chính quyền Mỹ từ đầu năm đối với hơn 30 hãng vận tải biển thuộc nhiều quốc gia chuyên chở dầu từ Venezuela tới Cuba đã đẩy tình trạng kinh tế của đảo quốc Caribe này vào một trong những thời điểm căng thẳng nhất vài năm qua. Nhiều hãng hàng hải từ chối cung cấp dịch vụ vì e ngại những chính sách mà La Habana gọi là “các biện pháp không chính quy” của Washington, trong khi một số ít hãng còn lại đòi tăng cước phí và đàm phán lại hợp đồng. Hệ quả là vào đầu tháng 9, không có tàu chở dầu nào cập cảng Cuba.
Trước khó khăn đó, Chính phủ Cuba đã cố gắng giảm, giãn bớt nhu cầu điện năng trong các giờ tiêu thụ cao điểm bằng những cách như tái tổ chức và giảm bớt giờ làm tại công sở. Bên cạnh đó là một chiến dịch kêu gọi tiết kiệm điện, giảm bớt các chuyến xe khách trên toàn quốc và ưu tiên sử dụng đường sắt, tạm hoãn một số công trình xây dựng đòi hỏi cần cẩu và các máy móc cỡ lớn khác đồng thời cam kết đảm bảo việc vận tải lương thực, thuốc men cùng một số nhu yếu phẩm chủ yếu khác, cũng như những hàng hóa liên quan tới xuất khẩu.
Sau 2 tuần, từ tuần cuối cùng của tháng 9, nhịp độ sinh hoạt tại Cuba dần lắng dịu sau khi các tàu chở dầu bắt đầu trở lại theo những hợp đồng mới, mặc dù một số biện pháp tiết kiệm vẫn được áp dụng.
Trong khoảng thời gian khó khăn này, đã không diễn ra "tình trạng tê liệt kinh tế" tại Cuba. Thậm chí, bất chấp lệnh cấm vận ngày càng siết chặt của Mỹ, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) dự báo nền kinh tế Cuba sẽ không suy giảm trong năm nay, với mức tăng ước đạt 0,5%, tương đương mức tăng của khu vực. Quan trọng hơn, 2 tuần khó khăn qua cũng đã cho thấy tinh thần đoàn kết và lạc quan của người dân Cuba.
Trong khi đó, đối với những khó khăn về năng lượng vừa qua của Cuba, tiết kiệm chỉ là biện pháp ứng phó và giải pháp dài hạn sẽ phải là việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, bao gồm từ việc đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển đổi dần cơ cấu điện năng theo hướng bền vững hơn với mục tiêu quan trọng nhất là nâng sản lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo từ mức 4,6% hiện tại lên 24% tổng sản lượng vào năm 2030, cho tới đẩy mạnh việc tìm kiếm dầu khí cả ở vùng biển giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác lẫn thăm dò, khai thác trong đất liền bằng công nghệ mới - mà dự án khoan thăm dò dầu khí theo công nghệ trục ngang đầu tiên tại Cuba, được khởi công nhân dịp chuyến thăm La Habana mới đây của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, chính là sự khởi đầu đầy hứa hẹn.
Có thể thấy, sự nỗ lực và đồng lòng của người dân Cuba cũng như sự hợp tác của các đối tác quan trọng trong khó khăn sẽ giúp Cuba tận dụng tốt hơn sức mạnh của thời đại, hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới để tiếp nối con đường cách mạng, trên nền tảng vững chắc là truyền thống đấu tranh, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết cao.
Theo TTXVN