Nhà mình ra ở khu đô thị mới này cũng hơn chục năm rồi mà bây giờ công viên vẫn bỏ hoang.
Sau 2 năm vào miền Nam bế cháu đỡ đần con trai, đến giờ bà Loan mới được về nhà. Bà thấy phố phường thay đổi nhiều. Gần khu nhà bà cũng sắp có siêu thị của Nhật Bản, nghe nói to nhất Hải Dương. Hôm nay, trời ấm, bà rủ chồng và mấy người cùng xóm đi bộ tập thể dục cho khỏe. Đi qua công viên trung tâm cỏ rậm um tùm, bà Loan hỏi chồng:
- Nhà mình ra ở khu đô thị mới này cũng hơn chục năm rồi mà bây giờ công viên vẫn bỏ hoang, làm chỗ trú cho muỗi và chuột. Trong khi trẻ con trong xóm không có chỗ chơi. Người già không có nơi tập thể dục. Không biết thành phố bỏ hoang đến bao giờ hả ông?
Nghe vợ hỏi, ông Ban bảo:
- Khu đô thị này là của doanh nghiệp đầu tư. Họ cũng chưa bàn giao cho thành phố. Không chỉ chỗ nhà mình đâu. Hôm nọ tôi lên khu đô thị nhà ông bạn đồng ngũ, công viên trước cửa nhà ông ấy cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Người dân sống gần đó tiếc đất biến thành khu vườn trồng rau rồi. Hai bên dải phân cách cỏ dại cũng mọc um tùm, nhiều chỗ biến thành nơi để rác.
Nghe ông Ban nói, bà Ly đi thể dục cùng cũng góp chuyện:
- Chỉ khổ mấy nhà có ô tô. Nghe đâu nhà anh Mạnh mới mất gần chục triệu tiền sửa xe chỉ vì để gần công viên chuột chui vào cắn hết dây điện, rồi tha cả thức ăn vào khoang máy. Hôm trước có ổ dịch sốt xuất huyết nhà tôi có cháu nhỏ lo ngay ngáy. Mua thuốc về phun quanh nhà rồi trước cửa, nhưng có vẻ không ăn thua vì cỏ dại mọc um tùm quá.
Nghe bà Ly than phiền, bà Loan bảo:
- Tôi vào chỗ ở của con trai ở trong miền Nam, cũng là khu đô thị mới nhưng họ rất chú ý đến không gian công cộng. Ngay khi vào làm, họ trồng hoa quanh công viên và thuê người chăm sóc, chứ đâu để thế này. Công viên khang trang, xanh, sạch, có cả chỗ chơi cho trẻ con và thiết bị tập thể dục ngoài trời cho người lớn...
Nghe vợ nói vậy, ông Ban nói:
- Lãnh đạo tỉnh cũng như thành phố rất bức xúc việc này nên gần đây kiên quyết chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những nơi nào đã hoàn thiện và bàn giao hạ tầng. Chỗ nhà mình do người dân chấp nhận đến ở trước khi doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng nên chịu thiệt. Khi chính quyền nhắc nhở, doanh nghiệp cũng túc tắc hoàn thiện một số hạng mục nhưng hình như chỉ để đối phó. Ngay cả cái bể xử lý nước thải định làm ngầm dưới đất công viên thấy đào ra, đổ bê tông vài hôm rồi cũng để đó.
- Thế không ai kiến nghị gì với lãnh đạo địa phương à? Bộ mặt đô thị cả đấy, bà Loan thắc mắc.
- Hôm trước lãnh đạo thành phố về tiếp dân, anh Mạnh xóm mình cũng có ý kiến rồi nhưng không ăn thua. Có khi hôm tới lãnh đạo tỉnh về tiếp xúc cử tri tại phường chúng ta lại ý kiến tiếp xem sao nhỉ, bà Ly đề xuất.
LÂM DƯƠNG