Việc tận dụng hệ thống dây chuyền công nghệ của dự án ODA cũ, áp dụng với dây chuyền phân loại và tách lọc rác mới bảo đảm phù hợp với tính chất rác thải hỗn hợp.
Lò đốt rác kiểu mới với công suất xử lý 5 tấn rác/giờ
Toàn bộ lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP Hải Dương và vùng lân cận đã được xử lý. Đây là kết quả bước đầu sau 1 năm Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương tiếp nhận dự án Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương.
Nhiều lần thay đổi
Sau nhiều năm và mất nhiều công sức, tỉnh ta mới hoàn thành dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cho TP Hải Dương và vùng lân cận. Ngày 5.7.2012, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương tại xã Việt Hồng (Thanh Hà) đã chính thức được bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Hải Dương (gọi tắt là Công ty MTĐT Hải Dương, nay đã cổ phần hóa) để duy trì hoạt động ổn định. Tổng mức đầu tư dự án này là 170 tỷ đồng, trong đó riêng dây chuyền phân loại, xử lý rác thành phân hữu cơ trị giá gần 60 tỷ đồng (sử dụng vốn ODA Tây Ban Nha). Nhà máy hoạt động theo công nghệ do Tây Ban Nha chuyển giao, xử lý được khoảng 45% lượng rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ, phần rác thải còn lại được xử lý bằng công nghệ lò đốt đa cấp và công nghệ đóng rắn.
Công ty MTĐT Hải Dương tập kết rác về nhà máy và phân loại rác. Trong đó, rác hữu cơ khó phân hủy được chuyển cho Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương đốt trong lò đốt đa cấp. Tuy nhiên, 2 đơn vị này lại thường nảy sinh mâu thuẫn. Do đó, UBND tỉnh quyết định Công ty MTĐT Hải Dương bàn giao toàn bộ nhà máy xử lý rác cho Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương quản lý, vận hành từ tháng 10.2012. Nhưng thực tế, rác luôn bị ùn ứ do xử lý không kịp thời, gây ô nhiễm môi trường.
Cuối cùng, Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương phải bàn giao toàn bộ nhà máy cho Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương từ năm 2017, chậm 1 năm theo Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 3.11.2016 của UBND tỉnh do gặp nhiều vướng mắc. Hai đơn vị hiện đã bàn giao nguyên trạng thuộc phạm vi dự án và đang bàn giao nốt lượng rác tồn đọng.
Giảm lượng rác phải chôn lấp
Sau khi nhận bàn giao, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cải tạo lại toàn bộ dây chuyền sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của dự án ODA cũ, kết hợp với công nghệ xử lý rác bằng phương pháp lò đốt để tạo ra dây chuyền xử lý rác phù hợp và hiệu quả hơn đối với rác thải hỗn hợp. Doanh nghiệp còn nâng công suất xử lý rác của nhà máy lên 250 tấn/ngày để bảo đảm tiếp nhận và xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP Hải Dương và vùng lân cận. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến là 251 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn1, tiếp nhận và cải tạo dây chuyền xử lý rác dự án ODA cũ, kết hợp xử lý bằng lò đốt rác thải sinh hoạt được đầu tư xây dựng mới vận hành trong năm 2018. Giai đoạn 2, đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào vận hành dây chuyền xử lý rác thải công nghiệp thông thường trong năm 2019.
Dây chuyền công nghệ của dự án mới được kết hợp với phương pháp xử lý rác làm phân compost của Tây Ban Nha. Việc tận dụng hệ thống dây chuyền công nghệ của dự án ODA cũ, áp dụng với dây chuyền phân loại và tách lọc rác mới bảo đảm phù hợp với tính chất rác thải hỗn hợp. Ông Phạm Hữu Thái, Trưởng Phòng Kế hoạch - kỹ thuật (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) cho biết: "Việc phối hợp nêu trên cho hiệu quả tốt do lượng rác thải được tái sử dụng lớn, lượng rác phải chôn lấp giảm đến mức thấp nhất - khoảng 5%".
Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ quy trình tiếp nhận và xử lý rác thải. Tại nhà tập kết, rác được phun chế phẩm, sau đó được tách lọc qua các công đoạn. Doanh nghiệp hiện có 2 lò đốt, công suất đốt 5 tấn rác/giờ/lò. Công nghệ lò đốt mới do Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước nghiên cứu dựa trên thực trạng rác thải Việt Nam, có hệ thống xử lý khí độc hại. Công nghệ đốt được phát triển trong nước giúp giảm chi phí và chủ động duy tu, sửa chữa sau này.
THÀNH LONG