Đã hết thời hạn theo thỏa thuận nhưng Công ty CP Đầu tư quốc tế Vikor không đưa được người lao động sang Úc làm việc và cũng không hoàn trả lại kinh phí, hồ sơ theo cam kết.
Đại diện Công ty CP Đầu tư quốc tế Vikor trao đổi về chương trình làm việc tại Úc theo visa 407 với các học viên vào giữa tháng 7.2019
Thời gian qua, một nhóm người đến từ nhiều tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận tư vấn lao động (TTTVLĐ) đi làm việc tại Úc theo diện visa 407 (visa thực tập cho phép người lao động học và thực tập tại nơi làm việc với mục đích phát triển chuyên môn, nâng cao tay nghề) với Công ty CP Đầu tư quốc tế Vikor (gọi tắt là Công ty Vikor), có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 283 đường Thanh Niên, phường Hải Tân (TP Hải Dương). Mỗi người đã đóng khoảng 14.000 USD cho công ty. Đến nay đã hết thời hạn theo thỏa thuận nhưng doanh nghiệp này không đưa được ai sang Úc làm việc và cũng không hoàn trả lại kinh phí, hồ sơ theo cam kết cho những người đã đăng ký.
"Bánh vẽ"
Theo giới thiệu của một người quen, tháng 6.2019, anh Trần Đình G. ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) đến Công ty Vikor trao đổi về chương trình sang Úc làm việc. Ngày 4.6.2019, anh G. ký TTTVLĐ với Công ty Vikor, người ký là bà Mạc Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Theo thỏa thuận, Công ty Vikor tư vấn và cung cấp dịch vụ tổ chức chương trình lao động nông nghiệp tại Úc theo diện visa 407 cho anh G. "Chị Hiền trao đổi với tôi về chương trình này có thời hạn làm việc 2 năm. Sau đó có thể gia hạn thêm 2năm. Mức lương từ 60 - 80 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tăng ca. Sau 6tháng, nếu thi tiếng Anh tốt, làm việc tốt thì có thể bảo lãnh người thân sang làm việc cùng", anh G. cho biết.
Tương tự, cũng vào khoảng tháng 6.2019, anh Nguyễn Lê V. ở Duy Hòa, Duy Xuyên (Quảng Nam) theo một người môi giới dẫn đến Công ty Vikor. Tại đây, anh V. được chị Dung (xưng là nhân viên công ty) tư vấn về chương trình xuất khẩu lao động theo diện visa 407, sang Úc làm thực tập sinh ngành điều dưỡng. Sau 2 năm làm việc có thể gia hạn thêm 1 lần (2 năm). Mức lương bảo đảm từ 80-90 triệu đồng/tháng. Ngày 1.7.2019, anh V. đã ký TTTVLĐ với Công ty Vikor, người ký cũng là bà Mạc Thị Hiền với các điều khoản tương tự như bản thỏa thuận của anh G.
Theo tài liệu anh G. cung cấp, trong khoảng tháng 6 và tháng7.2019, có 18người đã ký TTTVLĐ với Công ty Vikor. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Những người này chủ yếu qua môi giới với những lời hứa hẹn "mật ngọt" về chương trình sang Úc làm việc, bảo đảm thời gian xuất cảnh sau 6 - 8 tháng, kể từ lúc bắt đầu xử lý hồ sơ.
Tòa nhà doanh nghiệp này thuê tại cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ đã gỡ bỏ biển hiệu, đóng cửa
Quá hạn vẫn chưa được đi
Sau khi ký TTTVLĐ, Công ty Vikor tổ chức cho những người này học tiếng Anh ở địa điểm của công ty thuê tại cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh). Tháng 12.2019, các học viên kết thúc khóa học. Đến tháng 2 và tháng 3.2020, tất cả 18 người ký kết với Công ty Vikor đều hết hạn thời gian sang Úc làm việc theo thời gian quy định trong TTTVLĐ mà hai bên đã ký kết.
Theo anh G., từ khi ký thỏa thuận đến lúc hoàn thành khóa học tiếng Anh, mỗi người đều đã đóng cho Công ty Vikor 14.000 USD, tương đương khoảng 325 triệu đồng vào thời điểm đó, đồng thời nộp học bạ, bằng tốt nghiệp bản gốc cho công ty. Sau khi hết hạn, hầu hết mọi người đã yêu cầu Công ty Vikor trả lại hồ sơ và tiền theo cam kết. Nhưng doanh nghiệp liên tục khất lần, đưa ra các lý do thoái thác.
"Ngày 8.5, có 1 người xưng tên Tuấn Anh, giới thiệu là Giám đốc điều hành mới của công ty được bà Hiền bổ nhiệm, đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đưa người lao động sang Úc. Anh này nhắn tin hẹn tôi và 8 người nữa đến ngày 20.5 sẽ trả tiền và hồ sơ. Đến ngày hẹn, anh Tuấn Anh lại nói chị Hiền chưa chuyển tiền nên chưa trả cho chúng tôi được. Ngày 24.6, anh này có nhắn vào nhóm Zalo của các học viên với nội dung tất cả hồ sơ của các bạn đang đợi bên Hàn Quốc gửi về. Khi nào bên công ty nhận được sẽ chuyển lại cho các em. Tôi hơi thắc mắc, vì chúng tôi làm hồ sơ sang Úc thì liên quan gì đến Hàn Quốc?", anh G. cho biết.
Phóng viên đã liên hệ với bà Hiền theo số điện thoại mọi người thường liên hệ trước đây để trao đổi về những vấn đề nêu trên. Điện thoại đổ chuông nhưng không có người nghe. Ngay sau đó, từ số điện thoại này có nhắn lại cho chúng tôi với nội dung "Xin lỗi ai đấy ạ". Chúng tôi nói là phóng viên, có tiếp nhận phản ánh về những liên quan đến Công ty Vikor, mong bà Hiền hợp tác theo quy định. Nhưng không có phản hồi.
Đến nay, Công ty Vikor đã gỡ hết các biển hiệu, logo, đóng cửa trụ sở hoạt động tại cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ. Căn nhà tại địa chỉ đăng ký kinh doanh số 283 đường Thanh Niên cũng không có biển hiệu của công ty và đã chuyển đổi kinh doanh do cá nhân khác làm chủ.
Được biết, trong số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đang hoạt động đủ điều kiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài không có tên Công ty Vikor. Điều 20 của Bộ luật Lao động (2012) quy định một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Công ty Vikor hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc giữ bản chính học bạ, bằng tốt nghiệp của người đăng ký là vi phạm quy định trên.
Hiện nhóm người trên đã làm đơn trình báo sự việc với cơ quan công an.
THANH NGA