Công trình tiền tỷ bỏ hoang

14/05/2012 09:28

Đầu tư thiếu đồng bộ, công nghệ xử lý chưa đáp ứng yêu cầu làm cho Trạm xử lý rác thải làng nghề giầy da Hoàng Diệu (Gia Lộc) chưa thể hoạt động...



Trạm xử lý rác thải xây dựng xong gần năm nay nhưng vẫn “đắp chiếu”


Xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) có 4 làng nghề sản xuất giầy truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận là: Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy với khoảng 379 hộ làm nghề. Năm 2011, làng nghề truyền thống đã đem lại thu nhập khoảng 15 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.200 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.


Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các làng nghề sản xuất giầy đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng trở nên báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của địa phương. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, mỗi ngày các làng nghề giầy da của xã Hoàng Diệu phát sinh khoảng 500 kg rác thải các loại. Thông thường, rác được các tổ thu gom vận chuyển ra bãi rác của thôn và xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, các tổ thu gom rác thải hoạt động không thường xuyên, cộng với ý thức kém của người dân nên rác thải vẫn được xả bừa bãi ra ao hồ, sông ngòi... ảnh hưởng đến nguồn nước và sinh hoạt của người dân địa phương. Theo các tài liệu chuyên môn, rác da giầy thuộc nhóm chất thải công nghiệp gồm các chất dẻo, chất xốp sinh ra trong quá trình sản xuất giầy dép và các sản phẩm da thừa. Da giầy có nguồn gốc động vật đã qua quá trình xử lý, chứa nhiều loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Loại rác thải này khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Mặc dù dễ cháy, nhưng khi đốt trong điều kiện thông thường lại phát sinh chất đi-ô-xin, một chất có thể gây ung thư nếu tiếp xúc nhiều và lâu dài. Chính vì mối nguy hại này mà vấn đề xử lý rác thải tại các cơ sở sản xuất giầy da từ lâu đã là mối quan ngại của các cơ quan chuyên môn.

Ngày 29 - 6 - 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 1830/QĐ-BNN-TL phê duyệt Báo cáo kỹ thuật dự án xây dựng mô hình xử lý chất thải làng nghề sản xuất giầy tại xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) trên diện tích 440m2 gồm: trạm xử lý chất thải rắn công suất 500 kg/giờ bằng lò đốt có hệ thống xử lý khí hiện đại, được điều khiển tự động, hệ thống xử lý và tuần hoàn nước thải, nhà đặt lò đốt rác, nhà điều hành kết hợp trạm bơm và nhà chứa rác tập trung. Ngoài ra, dự án còn trang bị xe vận chuyển chất thải chuyên dụng cùng các trang thiết bị phụ trợ cho trạm xử lý, làm đường vận chuyển, xây dựng tường bao... Tổng số vốn đầu tư công trình khoảng 6 tỷ 740 triệu đồng, trong đó vốn của địa phương đóng góp khoảng 2,2 tỷ đồng, còn lại là vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Công trình xử lý chất thải làng nghề có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm sức khỏe của người dân, bảo đảm môi trưởng làng nghề, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.



Trạm xử lý rác thải là nơi buộc trâu bò, bãi tập kết rác biến thành nơi nuôi gà, vịt

Tháng 7 - 2011, công trình hoàn thành và bắt đầu chạy thử. Tuy nhiên, do không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, nên công trình chưa được bàn giao và nằm "đắp chiếu" suốt từ đó đến nay. Đoạn đường ra trạm xử lý chưa hoàn thành, lầy lội, trơn trượt. Toàn bộ trạm xử lý chưa có hàng rào bảo vệ, khuôn viên trạm biến thành nơi buộc trâu, bò của người dân địa phương. Phân trâu, bò vương vãi khắp nơi. Bãi tập kết rác đã được một người dân biến thành nơi nuôi nhốt gà, vịt. Khi chúng tôi tới đây, ngay trên buồng đốt 2 chú gà mái đang vô tư ấp trứng... Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: "Khi thiết kế công trình, các kỹ sư của Viện Khoa học thủy lợi đã không tìm hiểu tình hình thực tế của địa phương, nên không tính toán chính xác những đặc điểm của rác thải giầy da. Rác thải giầy da kích cỡ không đều, to nhỏ khác nhau và thường tạo thành những búi lớn. Đồng thời, băng tải không đủ rộng nên rác hay bị ứ đọng trong quá trình vận chuyển lên buồng đốt. Bên cạnh đó, quá trình đốt vẫn phát sinh khói màu đen. Nước thải sau quá trình làm mát có màu đen và mùi rất khó chịu. Nhận thấy công trình chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và môi trường, UBND xã quyết định chưa nhận bàn giao để chủ đầu tư và đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa và hoàn thành những hạng mục còn thiếu".

Bác Nguyễn Tiến Yên, Trưởng thôn Phong Lâm cho biết: "Công trình chưa được xây dựng tường rào bảo vệ, đường vận chuyển cũng chưa hoàn thành. Chủ đầu tư cũng không tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành cho địa phương nên việc bàn giao công trình không thể tiến hành. Nhìn công trình tiền tỷ nằm phơi mưa nắng, người dân chúng tôi rất bức xúc. Trong khi đó, hàng tấn rác thải vẫn được đốt hằng ngày, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân".

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công trình tiền tỷ bỏ hoang