Hiện nay, nhiều công trình xây dựng cơ bản ở huyện Tứ Kỳ chậm tiến độ hoặc dừng thi công do "đói" vốn.
Trường THCS xã Nguyên Giáp khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện
Năm 2011, xã Nguyên Giáp khởi công xây dựng Trường THCS xã. Người dân phấn khởi vì học sinh, con em mình sắp được hưởng cơ sở vật chất giáo dục tốt hơn. Thế nhưng, sau gần 6 năm xây dựng, công trình vẫn dang dở.
Theo kế hoạch, Trường THCS xã Nguyên Giáp được xây dựng trên diện tích hơn 13.500 m2, với khu nhà 3 tầng gồm 15 phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ khác, trị giá gần 9 tỷ đồng. Công trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm phần móng và tầng 1, xong trong năm 2012; giai đoạn 2 làm tầng 2, 3 và các công trình phụ trợ hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên nhà thầu đã dừng thi công gần 2 năm nay, mới làm xong phần mộc tầng 2. Hiện công trình bị bỏ hoang và hầu như không có người trông coi.
Năm 2012, xã Phượng Kỳ xây dựng trụ sở làm việc với quy mô 2 tầng và dự kiến hoàn thành trong 6 tháng. Thế nhưng đến nay sau 5 năm xây dựng, công trình mới xong phần mộc. Do nguồn kinh phí có hạn nên công trình gián đoạn liên tục, có thời điểm bị dừng nhiều tháng. Từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, đến nay, xã mới thanh toán cho nhà thầu gần 2 tỷ đồng trong tổng giá trị công trình gần 5 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều công trình xây dựng cơ bản cấp xã của huyện Tứ Kỳ bị chậm tiến độ. Có công trình trụ sở làm việc dự kiến xây 2 - 3 tầng nhưng không có kinh phí đành làm trước 1 tầng để lấy chỗ làm việc.
Dẫn đến tình trạng trên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng nhiều xã lại đầu tư dàn trải, cùng một lúc xây dựng nhiều công trình. Ông Bùi Viết Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp cho biết: "Hiện nay, xã mới thanh toán được cho nhà thầu 3 tỷ đồng. Xã cũng đang xây dựng trụ sở làm việc nên cần một nguồn vốn lớn. Do đó chưa biết đến bao giờ mới bố trí được vốn để tiếp tục xây dựng trường THCS". Ngoài ra do một số địa phương chưa chuẩn bị tốt nguồn vốn đối ứng nhưng đã quyết định xây dựng công trình. Có xã trông chờ vào việc đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹp nhưng không bán được đất hoặc bán chậm nên bí vốn trả nợ...
Do các công trình xây dựng dang dở nên nhiều cán bộ xã vẫn phải làm việc trong những phòng chật chội, nóng bức, ảnh hưởng tới chất lượng công tác. Một bộ phận giáo viên, học sinh phải chịu thiệt thòi vì nhà trường không có các phòng chức năng, không có sân chơi, bãi tập riêng... Theo kế hoạch, đến năm 2016, đường huyện 191 N nối từ xã Văn Tố đến xã Hà Kỳ sẽ cơ bản hoàn thành nhưng đến nay các hạng mục đều chậm tiến độ. Những đoạn đường chưa làm thì mặt đường xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà khiến người dân đi lại khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết các địa phương cần huy động vốn từ nhiều nguồn như tích cực xử lý đất dôi dư, xen kẹp, đấu giá quyền sử dụng đất, kêu gọi xã hội hóa, chọn nhà thầu có năng lực tài chính, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh... Huyện Tứ Kỳ cần rà soát, đánh giá tình hình, có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với những công trình chậm tiến độ cho những xã thuộc diện khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải.
DANH TRUNG