Hệ thống thiết bị sấy thăng hoa của PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng khoa Công nghệ hóa (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) đạt một bước tiến mới, giúp nhiều sản phẩm của Việt Nam tăng cao giá trị.
20 năm cho một nghiên cứu
Từng có công việc ổn định với vai trò kỹ sư cho một công ty nước ngoài, tuy nhiên, sau 4 năm, chàng trai Nguyễn Tấn Dũng nhận ra mình vẫn luôn ấp ủ việc kiếm tìm một công nghệ mới có thể phục vụ cho cộng đồng. Ước mơ ấy bắt đầu nhen nhóm kể từ khi anh chứng kiến những người nông dân nuôi trồng nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến,… rất vất vả nhưng sản phẩm sau thu hoạch lại dễ giảm chất lượng.
“Vì vậy, mình quyết định phải tìm ra một phương pháp bảo quản hợp lý để chất lượng sản phẩm vẫn được bảo đảm trong một khoảng thời gian nhất định, phù hợp cho mục đích tiêu dùng và xuất khẩu”. Công nghệ sấy thăng hoa bắt đầu được PGS. Dũng cùng cộng sự nghiên cứu và phát triển.
Bắt tay vào thực hiện kể từ năm 1999, chứng kiến nhiều nhà khoa học “bỏ dở” việc đưa nghiên cứu vào thực tế, vì thế, PGS. TS Dũng quyết định phải theo đuổi đến cùng dù khi ấy trong tay anh chỉ có khoản tiền tích lũy ít ỏi.
Kết quả, hành trình ấy kéo dài trong suốt 20 năm và đến giờ, PGS. Dũng vẫn đang miệt mài từng bước tiếp tục phát triển để ứng dụng vào cuộc sống.
PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng khoa Công nghệ hóa (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh)
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, công nghệ sấy thăng hoa có thể ứng dụng và đem lại tính ưu việt hơn so với các phương pháp sấy thông thường.
Cụ thể, các sản phẩm khi sấy ở nhiệt độ dương sẽ chuyển đổi nước từ trạng thái lỏng sang trạng thái hơi. Còn sấy thăng hoa sẽ tách nước ra khỏi sản phẩm từ thể rắn (lạnh đông) sang thể hơi ở nhiệt độ âm và trong môi trường chân không gần như tuyệt đối.
Chính vì vậy, sản phẩm sau khi sấy sẽ bảo quản được nguyên vẹn chất lượng ban đầu do protein không bị biến tính; lipid không bị oxy hóa; gluxit không bị hồ hóa; các hoạt chất sinh học, vitamin, khoáng chất không bị phá hủy; màu sắc và mùi vị gần như không thay đổi; không bị nứt nẻ, co rút bề mặt; khắc phục được nhược điểm của tất cả các phương pháp sấy thông thường khác.
“Với cách sấy thông thường, một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến, sữa ong chúa, các chế phẩm sinh học, các sinh khối,… chỉ có thể giữ được trong 3-6 tháng và sẽ bắt đầu xuất hiện nấm mốc. Nhưng với công nghệ này, các sản phẩm có thể bảo quản được 3-6 năm mà vẫn giữ được chất lượng tự nhiên ban đầu. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm bán ra cũng cao hơn”, PGS. Dũng cho biết.
Giá giảm một nửa so với nhập ngoại
Theo PGS. Dũng, dù nhận thấy nhu cầu nghiên cứu và triển khai công nghệ sấy thăng hoa để bảo quản các loại vật liệu quý hiếm, thực phẩm cao cấp là rất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào trong nước cũng mạnh dạn đầu tư.
Vì thế, việc làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị sấy thăng hoa trong điều kiện tại Việt Nam với giá thành giảm từ 1/3 – 1/2 so với máy nhập ngoại cùng năng suất là một tin vui.
Hệ thống sấy thăng hoa kết hợp bơm nhiệt trong điều kiện của Việt Nam sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, “cú huých” này cũng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp xem xét đầu tư, ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa vào thực tiễn sản xuất.
PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự đã đoạt giải thưởng trị giá 50.000 USD
Để tạo thế chủ động cho sản xuất trong nước và thay thế sản phẩm nhập ngoại, hiện tại, nhóm của PGS. Dũng đã chế tạo thành công 10 phiên bản từ DS-1 đến DS-10 với các tính năng vượt trội. Nhóm kỳ vọng phiên bản thứ 11 tới đây sẽ cải tiến quá trình truyền nhiệt trong môi trường chân không của hệ thống sấy thăng hoa.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu và tiếp tục phát triển, hiện công nghệ sấy thăng hoa đang được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong cả nước và nhiều nước Đông Nam Á. Ngoài ra, công nghệ này cũng đang được ứng dụng rộng rãi trong bảo quản, chế biển thực phẩm, thủy hải sản tại nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng kỳ vọng, ứng dụng công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm sấy.
Mới đây công trình của PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự đã đoạt giải thưởng Bảo Sơn trị giá 50.000 USD về tính ứng dụng và đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Vietnamnet