Trải qua hơn 60 năm, dưới những tên gọi, những nội dung và hình thứcbiểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước trong cả nước ở mọingành, mọi cấp, mọi địa phương đã phát triển theo một dòng chảy liêntục, đóng góp quan trọng vào những thành quả to lớn của cách mạng ViệtNam.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, năm 1962
|
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu phong trào hành động cách mạng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Trải qua hơn 60 năm, dưới những tên gọi, những nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước trong cả nước ở mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương đã phát triển theo một dòng chảy liên tục, đóng góp quan trọng vào những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam.
Ngày 11-6 – “Ngày thi đua yêu nước”Xuất phát từ quan điểm coi nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thi đua là phát huy nội lực của toàn dân, mà ngay từ đầu, khi vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia việc nước, việc dân.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính quyền non trẻ vừa được thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn: thù trong, giặc ngoài, giặc đói và giặc dốt. Trong hoàn cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào "Tuần lễ vàng", "Hũ gạo cứu đói". Để phục vụ kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng và 10 điều phạt - một văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách khen thưởng của Nhà nước ta. Ngày 6-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL đặt ba loại Huân chương cao: Sao Vàng, Hồ Chí Minh và Độc lập. Ngày 17-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 83-SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông năm 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ: "Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công".
Ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL lập Ban Vận động thi đua các cấp, gồm đại diện chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các nhân sĩ.
Ngày 11-6-1948, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", một lời kêu gọi có tính chất lịch sử mà cho đến ngày nay vẫn còn ý nghĩa hiện thực.
Kể từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua yêu nước. Ngày 3-6-1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TƯ về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Ngày 21-5-2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Ngày 10-12-2003, Nhà nước đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng. Đến ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 11-6 hằng năm là “Ngày thi đua yêu nước”.
Phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳMỗi một thời kỳ cách mạng, chúng ta đều phát động những phong trào thi đua yêu nước, được nhân dân tham gia, hưởng ứng, mang lại những hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc.
Từ các phong trào thi đua kháng chiến chống thực dân Pháp như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”… đến các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”… đã phát triển liên tục góp phần quan trọng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc.
Bước sang thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhất là trong công cuộc đổi mới trong hơn 20 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trong từng lĩnh vực đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành tham gia tích cực, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
Phong trào thi đua trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng phát triển mạnh mẽ. Các phong trào thi đua được các ngành, các đoàn thể nhân dân tổ chức và phát động đã trở thành động lực cách mạng góp phần quan trọng vào những thành tựu chung. Đó là các phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, "Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Thanh niên lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện", “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”, phong trào “Tiến quân vào khoa học công nghệ” của đội ngũ cán bộ khoa học cả nước đã thực sự trở thành nơi biểu dương lực lượng, ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân.
Trong 5 năm từ năm 2004 đến năm 2008, công nhân, viên chức lao động trên toàn quốc đã hoàn thành hàng chục nghìn công trình, sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; Phát huy hơn 200 nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất kinh doanh, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các cấp công đoàn đã tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp, thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy gương mẫu”, tổ chức "Phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo"…Công tác khen thưởng cũng được thực hiện kịp thời nhằm động viên các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc. Hơn 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng hơn 13,5 triệu huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều thành tích trong nhiều lĩnh vực...
Gắn thi đua yêu nước với khen thưởng trong giai đoạn cách mạng mớiTrong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cả nước tiếp tục dấy lên các phong trào thi đua đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước hiện nay là phải bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hết sức sáng tạo, tập hợp, động viên, thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đổi mới theo tinh thần Chỉ thị số 35/CT-TƯ và Chỉ thị số 39/CT-TƯ của Bộ Chính trị, để thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các ngành, các cấp vươn lên.
Thứ nhất, cần đổi mới thi đua, phong trào thi đua với nội dung cụ thể, mục tiêu thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong lĩnh vực kinh tế, thi đua phải hướng vào tiếp tục giải phóng mạnh mẽ hơn nữa sức sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển với cơ cấu công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp.
Trong lĩnh vực văn hoá-xã hội, thi đua cần hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển giáo dục toàn diện.
Trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, thi đua phải hướng vào xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp…
Thứ hai, đổi mới khen thưởng, từ khâu sơ kết, tổng kết, quy trình xét duyệt để mỗi hình thức khen thưởng thực sự khích lệ, động viên được cá nhân và tập thể.
Thứ ba, xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác thi đua, khen thưởng theo phương châm gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả; Bổ sung, bố trí đủ cán bộ có năng lực và chuyên môn làm công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chính trị-xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của thi đua, khen thưởng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác thi đua, khen thưởng; Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến để động viên, khích lệ phong trào và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Thứ năm, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải thực sự “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc thi kể chuyện về Người, mà các câu chuyện đó cần được vận dụng vào cuộc sống của mỗi người…
KIM NGÂN(TTXVN)