Thu nhập còn hạn chế nên để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, ngoài giờ làm, nhiều công nhân tiếp tục vật lộn với các công việc phụ khác nhau.
Sau giờ tan ca, chị Nguyễn Thị Hương (thứ hai từ trái qua), công nhân Công ty TNHH May Đồng Tâm
lại bán măng tại cổng công ty để kiếm thêm thu nhập
Những đồng tiền kiếm được nhờ những việc làm thêm ấy luôn mặn chát mồ hôi và đôi khi cả nước mắt của họ.
Tìm đường vượt khóChị V.T.D. hiện là công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á. Một tháng nếu làm đủ 30 ngày công, thu nhập của chị D. cũng chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng. Khoản thu nhập này không thể đủ cho chị D. trang trải cuộc sống, nuôi 2 con nhỏ ăn học. Không có tiền thuê nhà nên mấy năm qua, 3 mẹ con chị phải ở trong căn bếp cũ của nhà mẹ đẻ rất chật chội, ẩm ướt. Cuộc sống túng thiếu ấy khiến chị D. rất buồn. Đang lúc bí bách, chị D. được một người quen giới thiệu mối bán hàng quần áo online trên mạng cho công nhân lao động người Việt ở Đài Loan. Với cách thức giao dịch chủ yếu trên mạng và làm bán thời gian nên việc làm thêm không ảnh hưởng đến công việc chính của chị. Mỗi tháng chị D. cũng kiếm thêm được khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp chị bớt phần khó khăn trong cuộc sống.
Hoàn cảnh của chị N.T.H. ở khu5, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cũng nhiều éo le. Sau một tai nạn nghiêm trọng, chồng chị H. không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng, liên tục. Anh đành chấp nhận làm tự do, thu nhập bấp bênh theo ngày. Ba con nhỏ của vợ chồng anh chị lại đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Nguồn thu nhập ổn định nhất của gia đình lúc này là số tiền lương khoảng 6 triệu đồng/tháng của chị H. ở một công ty tư nhân. Loay hoay, xoay xở mãi không đủ sống, chị H. nhận trang trí bóng bay cho các sự kiện nhỏ, sinh nhật... Nhờ cả sự phụ giúp của chồng, tháng nào nhiều việc, chị H. cũng kiếm được thêm dăm ba triệu đồng. Chừng ấy thôi cũng giúp cho những bữa cơm của gia đình chị tươm tất hơn, các con có thêm quần áo mới đến trường.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mức này chưa đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là những người đã lập gia đình, có con cái ăn học. Chính vì khó khăn nên nhiều người lao động sau giờ làm ở doanh nghiệp phải oằn lưng "cày" thêm những công việc khác để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Những đồng tiền mặn chátNhờ cả sự phụ giúp của chồng, tháng nào nhiều việc, chị H. cũng kiếm được thêm dăm ba triệu đồng. Chừng ấy thôi cũng giúp cho những bữa cơm của gia đình chị tươm tất hơn, các con có thêm quần áo mới đến trường.
|
|
Phải tận mắt chứng kiến mới thấy những công nhân làm thêm vất vả đến nhường nào. 5 giờ chiều khi công ty tan tầm, chị Nguyễn Thị Hương (công nhân Công ty TNHH May Đồng Tâm, TP Hải Dương) vội vã vần một thùng xốp to chứa đầy măng từ cửa phòng bảo vệ ra cổng công ty. Đã quen nên các đồng nghiệp với chị ùa vào chọn măng. Việc mua bán chỉ diễn ra trong ít phút vì ai cũng vội vã trở về. Chị Hương quay như chong chóng để nhặt hàng, trả tiền thừa cho khách. Công nhân công ty đã về hết nhưng thùng măng mới vơi đi một nửa. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, vuốt lại những đồng tiền lẻ vừa bán hàng, chị Hương cho biết: "Giờ tôi mang số măng này ra chợ Cẩm Thượng bán. Chắc cũng phải bán rẻ đi đôi chút vì nếu ế để đến ngày mai măng chua rất khó bán". Nói rồi, chị Hương phải nhờ một người phụ nữ cùng bán hàng ở cổng công ty khênh giúp thùng măng còn dở lên xe đạp chở đi.
Hầu như chưa bao giờ chị Hương được về đúng giờ tan tầm hoặc nghỉ ngơi vào các ngày nghỉ. Mùa nào thức nấy, không bán măng chua thì chị lại lấy na, hồng, cua đồng... để bán. Đây đều là những sản vật quê nhà Lạng Sơn của chị. Để tận dụng chiều xe đi Lạng Sơn, chị còn tranh thủ lấy hàng hóa từ Hải Dương gửi về cho người nhà bán. Có khi chị dậy từ 4 giờ sáng về Chí Linh lấy lạc củ để gửi xe về quê. Sau đó chị quay lại TP Hải Dương cho kịp giờ làm... Mỗi lần về Lạng Sơn, chị còn kiêm luôn cả việc mua giúp đồ ở cửa khẩu cho mọi người. Cứ buôn bán như vậy, mỗi thứ một ít bù vào, chị Hương cũng có thêm thu nhập gửi mẹ trang trải cuộc sống cho gia đình ở quê nhà.
Tuy nhiên, để làm việc ấy, chị Hương cũng phải chịu không ít thiệt thòi. Chẳng bao giờ chị có thời gian để giao lưu, quan hệ với bạn bè. Thậm chí chị cũng không có thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều đêm không được ngủ vì dậy sớm lấy hàng khiến chị ngày càng gầy rộc, xanh xao. Biết vậy nhưng cuộc sống cơm áo, gạo tiền khiến chị không thể ngừng xoay vần...
Ba năm nay, kể từ khi làm thêm, chị N.T.H. cũng chịu nhiều vất vả. Bóng bay trang trí sự kiện thường phải thổi từ nhà nên lúc chở đi rất cồng kềnh, dễ gặp tai nạn. Nhiều khi việc trang trí ở trên cao, phải trèo lên mắc bóng rất mệt mỏi và nguy hiểm. Chị H. cho biết có hôm vì trót nhận hàng, vợ chồng chị phải làm đến 2 giờ sáng cố cho xong việc. Trở về nhà chị chỉ kịp nhắm mắt một lát đã phải thức dậy đến công ty làm việc cho kịp giờ...
Để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%. Tuy nhiên sau khi họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng là 6,5%. Như vậy có thể thấy, để thu nhập từ lương của người lao động đáp ứng mức sống tối thiểu (chưa kể tích lũy) vẫn còn một khoảng cách nhất định. Nhiều công nhân nếu không được làm tăng ca, thêm giờ thì thu nhập chắc chắc sẽ không đủ trang trải cuộc sống. Và sẽ còn không ít công nhân vẫn phải gồng mình, đánh đổi mồ hôi, sức lực sau mỗi giờ tan ca để kiếm thêm những khoản tiền nhỏ trang trải cuộc sống gia đình.
THANH NGA