Người lao động được bảo đảm về sức khỏe trong khi làm việc là yếu tố hết sức cần thiết. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lại không mấy quan tâm.
Công nhân Công ty TNHH May Đồng Tâm (TP Hải Dương) nhận thuốc chữa bệnh tại phòng y tế của công ty
Có cũng như khôngVạch lớp bảo hộ rách nát chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo chi chít trên cánh tay và chân do lửa hàn để lại, anh N.V.H, công nhân Công ty TNHH Tadlack Production (cụm công nghiệp Cao An, Cẩm Giàng) cho biết: “Chỗ chúng tôi làm, hàng trăm công nhân tổ hàn và tổ mài thường xuyên bị tai nạn trong lúc làm việc. Người nhẹ thì bị bỏng lửa hàn, người nặng có thể bị máy cắt, máy mài cứa vào thịt. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải đến lấy bông, băng để ở tủ thuốc cá nhân trong từng xưởng tự băng bó, chứ không hề có nhân viên y tế chăm sóc. Có những hôm tủ thuốc hết đồ dùng, chúng tôi lại phải lên tận văn phòng của công ty để xin”.
Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Toàn Tiến (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) chuyên sản xuất, gia công, mua bán sản phẩm bằng kính. Đây cũng là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nhiều tai nạn rủi ro đối với người lao động. Theo phản ánh của hầu hết công nhân lao động (CNLĐ) ở đây, trên người họ không ai là không có vết sẹo do tai nạn nghề nghiệp để lại. Trong đó, có khoảng 70 CNLĐ khi bị tai nạn không được nhân viên y tế chăm sóc, hay được nghỉ ngơi trong phòng y tế riêng. Phần lớn CNLĐ trong công ty dù đã có thâm niên làm việc từ 12 tháng trở lên cũng không được đóng các loại bảo hiểm. Vì vậy, đã có trường hợp người lao động bị tai nạn phải điều trị nhiều ngày trong bệnh viện, tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng vẫn phải tự lo kinh phí, công ty chỉ hỗ trợ vài triệu đồng thăm hỏi.
Ở những doanh nghiệp không có phòng y tế đã đành nhưng một số nơi "có cũng như không” (nói theo cách của CNLĐ) khiến CNLĐ càng bức xúc. Chị P.T.T, Công ty TNHH Samil Hà Nội Vina (TP Hải Dương) ngao ngán nói: “Có lần tôi bị đau bụng phải lên phòng y tế của công ty. Sau khi hỏi han và khám qua loa, nhân viên y tế chẳng đưa ra kết luận gì về tình trạng bệnh mà chỉ nhắc tôi nghỉ ngơi và đưa cho mấy viên thuốc. Nhìn qua, tôi thấy số thuốc ấy có vẻ đã để lâu nên không dám uống. Sau lần ấy, tôi rút ra kinh nghiệm là nếu tình trạng sức khỏe không cho phép thì xin nghỉ làm để đến cơ sở y tế có uy tín khám xét, còn nếu cố được thì cứ cố làm hết giờ chứ có lên phòng y tế của công ty cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì”.
Cần có chế tài đủ mạnh “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác y tế, cứu chữa kịp thời cho công nhân lao động khi họ gặp tai nạn hoặc chỉ làm mang tính hình thức, đối phó khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra”.
Ông NGUYỄN VĂN HINH Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
Pháp luật đã quy định rõ về việc những doanh nghiệp phải có cán bộ chuyên môn và các phương tiện ứng cứu kịp thời khi người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, việc chấp hành của các doanh nghiệp rất yếu kém. Ông Nguyễn Văn Hinh, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thường xuyên đến khám sức khỏe và kiểm tra về vấn đề y tế trong doanh nghiệp cho biết: “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác y tế, cứu chữa kịp thời cho CNLĐ khi họ gặp tai nạn hoặc chỉ làm mang tính hình thức, đối phó khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra”.
Hiện nay, ở tỉnh ta vẫn chưa có cơ quan chức năng hay tổ chức nào tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lĩnh vực trên một cách đồng bộ ở tất cả các doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc thực hiện. Việc kiểm tra, giám sát thường lồng ghép trong các cuộc kiểm tra về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong doanh nghiệp. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan hữu quan kiểm tra tại 64 doanh nghiệp. Kết quả, có 491 ý kiến của CNLĐ, trong đó hầu hết các ý kiến đều yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật, các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ... ít có ý kiến đề cập đến vấn đề y tế nói riêng. Như vậy, con số doanh nghiệp được kiểm tra chỉ như “muối bỏ biển” so với hơn 6.400 doanh nghiệp đang được cấp giấy kinh doanh và khó lòng đáp ứng được yêu cầu về lĩnh vực y tế, bảo đảm sức khỏe cho người lao động trong doanh nghiệp.
|
Công ty TNHH HaiVina ở khu công nghiệp Nam Sách là một trong số ít doanh nghiệp có bộ phận y tế hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Cán bộ y tế công ty kiểm tra vệ sinh dụng cụ đựng đồ ăn uống của công nhân . Ảnh: Mai Anh
|
Những bất cập trên cho thấy, ngoài việc cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp thực hiện yếu kém, thì nhận thức của CNLĐ trong việc đòi hỏi quyền lợi về y tế, chăm sóc sức khỏe cũng còn nhiều hạn chế. Để doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, CNLĐ có nhận thức đúng đắn về quyền lợi của mình trong trường hợp bị tai nạn, sức khỏe kém trong khi đang tham gia sản xuất, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Trước hết, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp. Ngoài việc phạt hành chính, nhắc nhở... như hiện nay, cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với những đơn vị vi phạm để làm gương. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần thường xuyên giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp, kịp thời can thiệp khi có biểu hiện vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để CNLĐ hiểu rõ quyền lợi được hưởng, qua đó yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện. Cần có biện pháp "mềm dẻo" để làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, để họ hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình khi thực hiện đúng yêu cầu pháp luật, trong đó có chính sách hỗ trợ về y tế, từ đó tạo ra môi trường làm việc văn minh, tạo niềm tin và sự gắn bó của CNLĐ để thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Các điều 139, 142 Bộ luật Lao động quy định, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên, người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động... Trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động... Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. |
NGỌC THANH