Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án cho công nhân "làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ", sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
50 công nhân Công ty TNHH Nissei (Cẩm Giàng) được doanh nghiệp thuê phòng tại 3 nhà nghỉ để không phải di chuyển xa
Chưa kịp gượng dậy sau khi Hải Dương khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi các ca bệnh mới xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Để dịch bệnh không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp và công nhân, lao động đã kịp thời có nhiều giải pháp.
Làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ
Mặc dù huyện Tứ Kỳ chưa xuất hiện ca bệnh Covid-19 ở làn sóng lây nhiễm mới cuối tháng 7 vừa qua, nhưng Công ty TNHH Babeeni Việt Nam đã trang bị hơn 200 lều bạt đặt tại nhà xưởng và nhà ăn để làm chỗ ngủ cho công nhân nếu dịch bệnh xảy ra. Mỗi lều cách nhau ít nhất 2 m, có quạt máy, điện chiếu sáng, wifi. Công ty đã chuẩn bị đầy đủ nước sạch, máy phát điện dự phòng và lương thực, thực phẩm để có thể phục vụ cho tất cả cán bộ, người lao động trong 6 tháng liên tục.
“Công nhân sẽ có được sự an toàn cao nhất nếu xảy ra dịch bệnh. Điều này cũng giúp hoạt động của doanh nghiệp diễn ra liên tục. Công nhân được tạo điều kiện ở lại nhưng phải bảo đảm giãn cách và thực hiện nghiêm quy tắc 5K”, Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam Lê Thanh Hải cho biết.
Anh N.T.M., công nhân của doanh nghiệp này cho biết: "Vợ tôi không có việc làm từ lần dịch trước, nhà có 2 con nhỏ nên hiện giờ tôi là lao động chính, chưa kể phải phụ giúp bố mẹ đã già yếu. Công ty bố trí chỗ ăn nghỉ, làm việc tại chỗ như thế này là rất ổn. Nếu dịch bệnh xảy ra, phải ăn ở, làm việc lâu trong một không gian nhỏ sẽ bí bách, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua, vừa là để tri ân công ty, vừa bảo đảm cuộc sống".
Từng là tâm dịch nên những ngày qua nhiều doanh nghiệp ở Cẩm Giàng đã chủ động phương án "3 tại chỗ". Ngay khi được thông tin 1 lái xe quê Nghệ An dương tính với SARS-CoV-2 đến giao hàng trong các ngày 13, 19, 22 và 26.7, Nhà máy Hoàng Dương ở cụm công nghiệp Lương Điền (Cẩm Giàng) lập tức áp dụng phương án "3 tại chỗ" cho 89 công nhân.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Giàng, trên địa bàn hiện có 170 trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với gần 14.300 công nhân, lao động. Để thực hiện "mục tiêu kép", ngay từ lần dịch trước huyện luôn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đủ điều kiện về cơ sở vật chất bố trí nơi ăn nghỉ tại chỗ cho công nhân để không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Công ty TNHH Babeeni Việt Nam (Tứ Kỳ) đã chuẩn bị hơn 200 lều bạt làm nơi ở tại chỗ cho công nhân nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp
Bố trí nơi trọ cho công nhân
Thuê trọ cho công nhân, lao động để họ không phải di chuyển xa dẫn đến nguy cơ phát sinh bệnh dịch cũng là phương án được một số doanh nghiệp đang triển khai. Từ đầu tháng 7 đến nay, Công ty TNHH Nissei Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) thuê 26 phòng của 3 nhà nghỉ trên địa bàn xã Cẩm Phúc cho hơn 50 công nhân là người các tỉnh đang có dịch gồm Hưng Yên và Bắc Ninh ở. Ngoài không mất tiền thuê trọ, công nhân còn được trả toàn bộ chi phí ăn uống. "Tôi rất yên tâm khi được công ty lo chỗ ăn ở. Ba bữa ăn trong ngày đều được bố trí tại căng tin, bảo đảm sạch sẽ và an toàn", chị Lê Thị Thiết quê ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) là công nhân Công ty TNHH Nissei cho biết.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để 100% số cán bộ, công nhân, lao động có thể thực hiện "3 tại chỗ". Ngoài các khu đang dùng làm chỗ giải lao thì công ty đã dự phòng tầng 2 của Nhà máy số 3 làm chỗ ăn ở cho công nhân khi có tình huống cấp bách xảy ra. Trước đó, hồi tháng 2, doanh nghiệp này có 17 người phải ăn ở, làm việc tại đây để phòng chống dịch, bảo đảm sản xuất nên đã có kinh nghiệm nếu phải triển khai "3 tại chỗ" ở quy mô lớn.
"3 tại chỗ" là phương án được hầu hết doanh nghiệp tính đến và được công nhân, lao động hưởng ứng. Với phương án này, doanh nghiệp buộc phải tăng thêm chi phí phát sinh, thậm chí đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nếu không may có bệnh dịch phát sinh từ bên trong. Vì vậy, ngoài việc kiểm tra, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các phương án bảo đảm an toàn. Một bộ phận lao động tỉnh ngoài vẫn đi về hằng ngày được doanh nghiệp bố trí xe đưa đón theo phương châm "một cung đường, hai điểm đến". Các biện pháp giãn cách, sát khuẩn tại nơi làm việc, ăn uống, đo thân nhiệt từ cổng, yêu cầu công nhân không đi đến những vùng có dịch... đang được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
MẠNH NGUYỆT