Công ty TNHH một thành viên Tháp UBI (Công ty UBI) ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) đã tạm dừng hoạt động, khiến hàng trăm công nhân rơi vào tình cảnh khốn khó.
Sau khi Công ty UBI dừng hoạt động, anh Tuấn vay tiền đầu tư nuôi lợn nhưng không gặp may vì giá lợn rẻ
Không chỉ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, từ tháng 5.2016 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Tháp UBI (Công ty UBI) ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) đã tạm dừng hoạt động, khiến hàng trăm công nhân rơi vào tình cảnh khốn khó.
Bươn chải mưu sinhKhó khăn lắm chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Thái quê ở xã Việt Hưng (Kim Thành) trong ngày cuối tuần anh tranh thủ về thăm gia đình. Vốn là thợ hàn của Công ty UBI với mức lương 6,8 triệu đồng/tháng, nay anh trở thành thợ xây, đi theo công trình khắp các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội...
Nhà có 6 người, bố mẹ anh Thái tuổi đã cao, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng. Các con đến tuổi ăn học, chi tiêu tốn kém. "Vợ tôi là công nhân may ở gần nhà, thu nhập 3 triệu đồng/tháng, chỉ đủ lo bữa cơm rau mắm qua ngày cho cả nhà", anh Thái nói. Mong muốn cùng vợ gánh vác kinh tế gia đình, anh Thái đã từng tới nhiều công ty xin việc. Nhưng ở tuổi 43, anh không còn nhiều cơ hội. Vậy nên đâu có việc, anh cũng đi. "Phải xa quê làm ăn cũng là điều bất đắc dĩ. Tôi vẫn lo khi mình vắng nhà, mọi công việc đều đổ dồn lên vai vợ. Nhưng nếu cứ ở nhà không có việc làm thì tôi biết lấy gì lo cho gia đình?", anh Thái cho biết thêm.
Công việc của anh Thái rất bấp bênh, có tháng chỉ 15 ngày có việc làm, làm ngày nào hưởng công ngày đó chứ không phải đến tháng lĩnh lương như khi còn làm việc ở Công ty UBI. Mỗi ngày công của anh được khoảng 150.000-200.000 đồng. Mỗi bữa anh chỉ dám ăn 15.000 đồng. Sau khi trừ tiền ăn, chi phí đi lại, mỗi tháng anh dành dụm từ 2,5-3 triệu đồng đưa cho vợ lo bữa ăn, quyển sách cho con. Công việc dãi nắng, dầm mưa lại nguy hiểm đến tính mạng mỗi khi trèo giàn giáo... Thu nhập thấp đã đành, anh còn không được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội.
Tình cảnh của anh Nguyễn Đình Tuấn, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cũng không khác anh Thái là mấy. Từ ngày Công ty UBI dừng hoạt động, anh Tuấn đi làm công nhân đóng tàu cho một vài doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lúc hết việc anh nhận bắn mái tôn thuê khi ở Hải Phòng, lúc ở Hưng Yên. Theo như cách nói của anh là "đi bới việc, kiếm đồng". Việc không đều, thu nhập cũng chỉ tương đương mức thu nhập của anh Thái. "Năm ngoái, tôi có vay thêm của anh em ít tiền, đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn. Vừa nuôi được 1-2 lứa, giá lợn đã xuống dốc không phanh khiến tôi càng thêm khó khăn", anh Tuấn ngao ngán. Có lúc anh nghĩ do vận mình đen nên làm gì cũng thất bại. Anh từng tới Công ty TNHH May Tinh Lợi xin việc nhưng chuyên môn của một thợ hàn như anh không phù hợp với vị trí mà doanh nghiệp tuyển dụng.
Những công nhân từng làm việc tại Công ty UBI nay mỗi người một nơi. Nhớ về thời gian làm việc tại đây, họ có cuộc sống khá ổn định, gần nhà. Nghĩ rằng đó là may mắn nên ai cũng tự nhủ phải cố gắng. Những lúc tăng ca, họ chỉ tranh thủ về ăn bữa cơm tối rồi lại làm cả đêm để công ty kịp giao hàng theo đơn của khách. Từ tháng 11.2011, công ty bắt đầu nợ lương công nhân. Dù cuộc sống chật vật những công nhân ở đây vẫn kiên trì bám trụ cùng doanh nghiệp vượt khó. Nhưng nỗ lực của họ cũng không cứu vãn được tình thế. Sau khi công ty dừng hoạt động, không chỉ bị nợ đọng tiền lương nhiều tháng, sổ bảo hiểm họ cũng không lấy ra được. Thậm chí đến thời điểm này, họ vẫn không biết rõ công ty đã đóng bảo hiểm cho mình đến ngày tháng năm nào, có đúng theo quy định hay không. Mỗi lần ốm đau hoặc lỡ có xảy ra tai nạn, những người công nhân này đều phải tự lo liệu.
Không biết đến bao giờVì cuộc sống, mỗi người tản mát một nơi nhưng anh em công nhân từng làm việc tại Công ty UBI vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Họ có chung mong mỏi một ngày công ty hoạt động trở lại, làm ăn phát đạt để có cơ hội được trở về. "Tôi muốn có công việc ổn định, gần nhà như trước kia. Hơn nữa ở tuổi này, cơ hội để xin vào một công ty khác, phù hợp với khả năng của tôi không còn nhiều", anh Nguyễn Tuấn Đức, quê ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) nói.
Cùng suy nghĩ giống anh Đức, nhiều anh em khác vẫn coi Công ty UBI là mái nhà chung. Chưa lấy được lương và sổ bảo hiểm nhưng họ không bi quan mà tự nhủ rằng như thế mình vẫn còn là người của công ty, giai đoạn khó khăn chỉ tạm thời!? Mỗi lần về quê, các anh vẫn ghé qua công ty hỏi han, nghe ngóng tình hình. Họ vẫn thường xuyên gọi vào số điện thoại của lãnh đạo công ty. Dù chưa có bất kỳ một tín hiệu vui nào, song họ vẫn nuôi hy vọng, chờ đợi...
Công ty Tháp UBI đã đóng cửa 2 năm nay
Trụ sở Công ty UBI hiện vẫn đóng cửa, chỉ có vài người bảo vệ làm nhiệm vụ trông coi. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty UBI đã báo cáo với UBND tỉnh xin tạm dừng hoạt động 2 năm. "Công ty tạm dừng hoạt động từ tháng 5.2016 đến tháng 5.2018. Chúng tôi cũng không nắm được sau khi hết hạn tạm dừng hoạt động, kế hoạch sản xuất của công ty như thế nào", ông Tuấn nói.
Công ty UBI là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, chuyên sản xuất cột tháp tuabin gió, đường ống áp lực, bình bồn áp lực, hệ thống kết cấu thép đặc biệt giàn khoan... Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước thời điểm đóng cửa, Công ty UBI có khoảng 230 lao động. Công ty nợ 14,8 tỷ đồng tiền lương công nhân làm việc các tháng rải rác từ năm 2011 - 2014. Ngoài ra còn khoản nợ đối với 40 công nhân nghỉ chờ việc.
Ông Tuấn cho biết thêm trước khi tạm dừng hoạt động, công ty mới thanh toán lương tháng 11.2011 cho công nhân, số còn lại vẫn nợ. Ngoài ra, sổ bảo hiểm của người lao động vẫn do công ty giữ.
Ông Vũ Đức Khiên, Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh xác nhận Công ty UBI là 1 trong 2 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm lớn nhất tỉnh với số tiền trên 7,5 tỷ đồng. "Năm 2014, chúng tôi đã khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa. Phía doanh nghiệp xin rút đơn, kèm theo lộ trình trả nợ nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện được", ông Khiên nói. Hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, chờ giải quyết.
Trước những thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh và đại diện của Công ty UBI, sự chờ đợi của những công nhân trên vẫn từng ngày trôi qua trong vô vọng.
LÊ HƯƠNG