Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động tại các doanh nghiệp nhưng nhiều công nhân nữ vẫn phải chịu thiệt thòi từ cơ hội phấn đấu trong nghề đến những quyền lợi cơ bản.
Lao động nữ tập trung đông ở lĩnh vực giầy da, may mặc với những công việc giản đơn nên thu nhập thấp, ít cơ hội thăng tiến
Ít cơ hội phát triển
Chị Nguyễn Thị Loan hiện là công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An). Mặc dù có tay nghề cứng và được đánh giá năng lực rất tốt nhưng đến nay, sau khoảng 10 năm làm việc, chị Loan mới được cất nhắc lên vị trí tổ trưởng. Chị Loan cho biết nếu thạo tiếng Nhật hoặc tiếng Anh thì cơ hội thăng tiến của chị chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Dù khá tiếc nhưng chị Loan cũng không có cách nào khác vì bị nhiều yếu tố bản thân, gia đình chi phối. "Tôi bỏ sách vở đã lâu nên ngại học ngoại ngữ. Hơn nữa còn gánh nặng việc nhà, chăm sóc con cái", chị Loan chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Loan, rất nhiều công nhân nữ khác không có điều kiện hoặc tự mình bỏ qua những cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến trong công việc. Bởi khi tuyển dụng, chủ sử dụng lao động chỉ tuyển công nhân với yêu cầu trình độ là lao động phổ thông. Công ty TNHH May Formostar Việt Nam là một ví dụ. Công ty có 2 chi nhánh ở TP Hải Dương và Nam Sách với tổng số khoảng 2.000 công nhân, trong đó công nhân nữ chiếm 90%. Tỷ lệ lao động phổ thông tại công ty hiện chiếm khoảng 80%. Do sản xuất hàng may mặc nên công ty không có yêu cầu cao về trình độ. Chỉ cần người lao động đáp ứng điều kiện sức khỏe, công ty sẽ có cơ chế đào tạo nghề. Xuất phát điểm vào doanh nghiệp đã thấp nhưng đại bộ phận công nhân nữ lại ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Một nguyên nhân khiến nữ công nhân ngại phấn đấu, ngại nâng cao trình độ chính là do họ còn gánh nặng việc nhà, không đủ thời gian để đầu tư cho công việc. Hơn nữa, nếu học tập nâng cao trình độ thì công nhân nữ không có thời gian để tăng ca, ảnh hưởng đến thu nhập. Chưa kể tới việc họ phải tự bỏ tiền học phí...
Trong "Báo cáo tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam: Phụ nữ, việc làm và tiền lương" của Mạng lưới hành động vì lao động di cư, lao động nữ đang ở vị thế thấp hơn nam giới trong cơ cấu việc làm. Phụ nữ chỉ chiếm 26,1% số vị trí lãnh đạo, nhưng lại đóng góp tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình. Điều này cho thấy lao động nữ vẫn chủ yếu ở những vị trí việc làm thấp và ít có cơ hội phát triển.
Dễ bị lợi dụng
Chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp, nữ công nhân không chỉ gặp khó về cơ hội phát triển trong công việc mà họ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị các doanh nghiệp lợi dụng, vi phạm về chế độ chính sách. Trong đó chế độ thai sản đối với lao động nữ dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng nhất.
Ở huyện Tứ Kỳ từng xảy ra trường hợp một công ty may mặc vi phạm chế độ chính sách đối với lao động nữ. 15 lao động nữ đã bị doanh nghiệp này chấm dứt hợp đồng khi nghỉ thai sản mặc dù họ không hề vi phạm bất kỳ quy định nào của công ty. Sự việc sẽ không được giải quyết nếu số công nhân trên không làm đơn gửi đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện. Sau khi được LĐLĐ huyện tuyên truyền các quy định của pháp luật, vận động xử lý sự việc theo tính nhân văn, doanh nghiệp mới tiếp tục nhận số công nhân trên.
Thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) nhận được khá nhiều thắc mắc, khiếu nại của nữ công nhân không được hưởng đúng chế độ chính sách. Điển hình như trường hợp của chị Trần Thị Linh, công nhân một công ty giầy da ở huyện Cẩm Giàng. Mặc dù sinh con đã 1 năm nhưng chị Linh vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp thai sản theo quy định. Thắc mắc với cán bộ Phòng Hành chính của công ty, chị Linh chỉ nhận được những lời khất lần, lịch hẹn lên giải quyết hoặc hướng dẫn làm thủ tục khá lằng nhằng. Quá mệt mỏi vì sau nhiều lần đòi quyền lợi không được, chị Linh buộc phải nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật giải quyết. Sau khi cán bộ LĐLĐ tỉnh tìm hiểu mới vỡ lẽ trong khoảng thời gian mang thai, chị Linh không được công ty đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nên không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Đáng nói là hằng tháng chị Linh vẫn bị công ty trừ phần trăm tiền lương đóng bảo hiểm.
Không chỉ thường xuyên bị các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vi phạm chế độ chính sách, nhiều nữ lao động còn phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục, ép tăng ca, khống chế giờ nghỉ, bị xúc phạm trong công việc bằng những lời lẽ thiếu văn hóa... Khi sự việc xảy ra thường các nữ công nhân cam chịu để không bị "đì" trong công việc. Bà Hồ Thị Hiên, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Cẩm Giàng cho biết chỉ đến khi gặp cán bộ công đoàn hay khi đình công thì lao động nữ mới dám tố cáo.
Để giúp công nhân nữ hạn chế những thiệt thòi trên, các cấp công đoàn cần tăng cường tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật. Từ chỗ có kiến thức, công nhân nữ sẽ có hiểu biết để tránh bị doanh nghiệp vi phạm quyền lợi. Công đoàn cơ sở cần sâu sát hơn nữa trong giám sát, tham mưu việc thực hiện chế độ đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.
THANH HOA