Công nhận nghề dệt choàng ở Đồng Tháp là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

02/08/2023 13:57

Ngày 2.8, UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống - nghề dệt choàng (hay còn gọi là dệt khăn rằn) xã Long Khánh A.


Trao quyết định và Bằng công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề dệt choàng xã Long Khánh A vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, nghề dệt choàng xã Long Khánh A được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm vui, vinh dự, tự hào của người dân Đồng Tháp, vừa đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của người dân làng nghề. Hơn hết, đó là sự ghi nhận thành quả lao động của các thế hệ nghệ nhân đã ra sức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa vùng đất này.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Phước Thiện gửi lời cảm ơn đến những hộ dân còn theo nghề dệt choàng, góp phần gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản văn hóa truyền thống của địa phương.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt choàng - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Phước Thiện đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành, địa phương khẩn trương có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó, cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cho các trường học triển khai hoạt động giáo dục gắn với di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đưa giá trị cốt lõi của di sản văn hóa đến gần học sinh.


Khách hàng chọn mua sản phẩm khăn choàng Long Khánh A (Hồng Ngự, Đồng Tháp)

Làng nghề dệt choàng Long Khánh A hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn duy trì cho đến nay. Hiện có gần 60 hộ làm nghề, 150 khung dệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Hàng năm, làng nghề sản xuất, cung ứng cho thị trường ở trong và ngoài nước hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại.

Đứng trước thách thức về khả năng tồn tại của làng nghề hơn 100 năm tuổi, người dân nơi đây đã không ngừng cải tiến, sáng tạo và kết hợp giữa yếu tố truyền thống, hiện đại, tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Chiếc khăn rằn không chỉ có màu đen, màu nâu mà còn thêu trên đó hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp (hoa sen, sếu đầu đỏ…).

Chiếc khăn choàng (khăn rằn) vừa là sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân vừa là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Không đơn thuần gìn giữ bản sắc văn hóa cư dân miền sông nước chiếc khăn choàng còn ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân. Khăn rằn cùng với chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi như là biểu tượng cho người phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó. Năm 2014, sản phẩm khăn choàng của làng nghề Long Khánh A được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Cùng với sản phẩm truyền thống khăn choàng, làng nghề còn đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu khăn choàng như áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt…

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề dệt choàng Long Khánh A được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhận nghề dệt choàng ở Đồng Tháp là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia