Hầu hết công nhân các KCN đều phấn khởi vì năm nay tăng lương cơ bản, nên tiền thưởng Tết cao. Nhưng cũng có nơi lại thưởng Tết bằng một tháng lương cơ bản cũ, khiến không ít công nhân không hài lòng...
|
Công nhân Công ty CP May 2 tranh thủ tăng ca trước Tết. Ảnh: Lan Anh
|
Chúng tôi có mặt tại thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), nơi có gần 3.000 công nhân khu công nghiệp (KCN) Tân Trường thuê trọ vào chiều 23 tháng chạp. 5 giờ chiều, trong khi nhà dân địa phương nghi ngút khói hương tiễn ông Táo về trời, thì tại phòng trọ của nhiều công nhân, không khí khá im ắng. Anh Thắng, Trưởng thôn Quý Dương cho biết: Giờ này công nhân làm ca ngày vẫn đang trên đường về, còn người làm ca tối thì tranh thủ cơm nước, chuẩn bị đi làm. Ghé thăm phòng trọ của chị Lô Thị Dinh, công nhân Công ty Uniden, thấy chỏng chơ mấy túi thức ăn ở góc bếp. Dinh bảo: "Chúng em ở trọ nên không cúng ông Công, ông Táo. Hơn nữa, chiều nay chồng em liên hoan với anh em bảo vệ công ty, nên em cũng chẳng muốn nấu cơm". Chị Dinh quê ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), làm công nhân tại Tân Trường đã hơn 2 năm và mới kết hôn được 6 tháng. Chồng Dinh quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), làm bảo vệ cùng công ty. Dinh cho biết: “Tiền lương tháng hơn 2 triệu của em chỉ đủ 2 vợ chồng trang trải tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt, ăn uống. Em lại đang có “bầu”, nên chi phí càng tốn kém hơn. Bình thường hai vợ chồng cố dành dụm để tiết kiệm khoản tiền lương của chồng, nhưng tháng nào phát sinh nhiều đám cưới, thì khoản tiết kiệm đó cũng “hao” đáng kể. Tết này là Tết đầu tiên hai vợ chồng ra mắt họ hàng nên việc chuẩn bị quà Tết phải thật chu đáo. Công ty em năm nay thưởng Tết cho mỗi công nhân có thâm niên từ 1 năm trở lên là một tháng lương cơ bản (1,6 triệu đồng, tính theo lương mới). Em cũng đã tranh thủ thời gian mua một ít quà Tết là bánh đậu xanh, đặc sản của Hải Dương để mang về quê. Rồi chuẩn bị tiền “lì xì” cho các em, các cháu bên nội, bên ngoại. Còn các thứ quà Tết khác chắc để về quê mua cho đỡ phải mang vác nặng. Tính sơ sơ thôi, chỗ tiền thưởng Tết của công ty cũng chẳng còn đồng nào”. Dinh cho biết thêm, với tình trạng sức khỏe và điều kiện sinh hoạt như hiện nay, ăn Tết xong chắc em ở lại quê. Cũng như chị Dinh, Tết năm nay là Tết đầu tiên của cô dâu mới Bằng Thị Lương, 22 tuổi quê ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Hai vợ chồng Lương cùng làm việc tại Hải Dương, vợ làm công nhân, chồng làm đầu bếp. Lương cho biết: “Cũng may chúng em ăn Tết cùng bố mẹ, chứ ở riêng thì khoản tiền Tết 1,6 triệu đồng chẳng thấm vào đâu, lại còn tiền xe đi về nữa”.
Khác hẳn với không khí náo nhiệt của thành phố những ngày áp Tết, các xóm trọ gần KCN Nam Sách lại quá trầm lắng. Lương thấp, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, việc tính toán chi tiêu hằng tháng cho bản thân đã khó khăn, Tết quả là nỗi lo của nhiều công nhân. Tôi gặp các bạn công nhân trong giờ nghỉ trưa đúng ngày Tết ông Công, ông Táo, bữa trưa đạm bạc, cơm với 2-3 miếng thịt, đậu rán, thêm vài ngọn rau. Bạn Nguyễn Văn Hoài, Công ty TNHH May Tinh Lợi, quê Bắc Giang cho biết: “Mình làm việc ở đây được hơn 3 năm, nhưng chưa năm nào lo cho gia đình được cái Tết đầy đủ. Được công ty thưởng tháng lương 13, nhưng trừ chi phí ăn ở, tiền đi lại thì số tiền còn lại mang về quê cũng chẳng đáng là bao”. Để có thêm tiền gửi về gia đình chuẩn bị Tết, nhiều bạn công nhân cố gắng đăng ký làm tăng ca. Bạn Trịnh Thị Nga, quê Thái Bình cho biết: Vì lương thấp chỉ đủ chi tiêu tằn tiện trong một tháng nên ai cũng muốn đăng ký làm thêm, nhất là tháng giáp Tết này, cả phân xưởng của chị đều đăng ký làm tăng ca để có thêm chút tiền để lo cái Tết tươm tất hơn. Cả năm lo kiếm tiền, ai cũng mong tới ngày Tết để được quây quần bên gia đình, người thân, nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh mà họ đành phải đón Tết một mình ở nơi đất khách quê người. Cùng chung nỗi lo Tết, chúng tôi thoáng thấy nỗi buồn trên gương mặt chị Nguyễn Thị Lý, quê Lào Cai. Năm trước do ốm phải dùng hết số tiền dành dụm, chị Lý không đủ tiền về quê ăn Tết và có lẽ năm nay chị sẽ gửi tiền về cho gia đình, còn chị lại đón Tết một mình ở khu nhà trọ. Chị Lý tâm sự: “Cảnh nghèo không có thì đành phải chịu, đợi khi nào có điều kiện mình sẽ về sum vầy bên gia đình đón Tết sau vậy. Năm ngoái bà con trong thôn cũng tổ chức đón giao thừa tại nhà văn hóa, những công nhân không về quê ăn Tết như bọn mình cũng được dự ở đó, vui vẻ và ấm cúng lắm”.
Do kinh tế khó khăn, nên mua sắm quần áo, đồ dùng chuẩn bị Tết tại những chợ cóc, với giá rẻ luôn là lựa chọn hàng đầu của công nhân. Tại chợ Cẩm Thượng (TP Hải Dương), quần áo người lớn, trẻ em được bày bán khá nhiều, đồ dùng sinh hoạt cũng được giảm giá. Chị Trần Thị Hoa, chủ hàng quần áo cho biết: “Các loại quần áo đều rẻ, như quần bò nữ có giá từ 100-120 nghìn/chiếc, áo len giá cũng chỉ 70-90 nghìn đồng/chiếc... phù hợp với túi tiền của công nhân, lại sắp Tết nên hàng bán nhanh hơn”. Tới sạp hàng bán quần áo trẻ con, chúng tôi gặp chị Lê Thị Chanh (Thanh Hà), công nhân Công ty TNHH May Trấn An đang chọn quần áo cho cô con gái cho biết: “Cả lương và thưởng Tết không được nhiều, lo gửi tiền về quê rồi chẳng còn bao nhiêu, Tết này bố mẹ lại “nhịn” cố lo cho con được bộ quần áo mới”.
Trong câu chuyện về Tết, hầu hết công nhân các KCN Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách... đều phấn khởi vì năm nay tăng lương cơ bản, nên tiền thưởng Tết cũng nhiều hơn mọi năm. Nhưng cũng có nơi lại tính tiền thưởng Tết bằng một tháng lương cơ bản cũ, khiến không ít công nhân không hài lòng nhất là khi giá cả không ngừng “leo thang” như hiện nay. Thời gian nghỉ Tết năm nay tương đối dài, nên hầu hết công nhân ngoại tỉnh đều về quê ăn Tết. Một số công ty lớn tổ chức thuê xe cho công nhân về quê, song cũng không ít công nhân phải tự túc tàu xe đi về... Tết với công nhân, nhất là công nhân ngoại tỉnh, vẫn luôn là một bài toán khó.
MAI HOA