Công nhân gặp "gió ngược"

01/08/2023 06:04

Việc làm ít, thu nhập thấp trong khi giá thực phẩm, dịch vụ liên tục tăng khiến cuộc sống của nhiều công nhân thêm chật vật.


Công ty TNHH May Tinh Lợi phải cắt giảm hàng nghìn lao động

Giả cả tăng mà thu nhập lại giảm

Trong căn nhà chật chội, tối om ở khu dân cư Độc Lập, phường Ái Quốc (TP Hải Dương), anh Phạm Văn Trò (sinh năm 1972, quê ở huyện An Lão, Hải Phòng) đang lọ mọ nấu cơm chờ vợ con về. Thức ăn mà anh chuẩn bị chỉ có mớ rau muống luộc, vài cái đậu trắng và mấy quả trứng. “Vẫn còn sáng nên tôi chưa bật điện cho đỡ tốn”, anh Trò nói.

Anh Trò đang làm nhân viên nhà bếp tại Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách), vợ anh làm ở Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Lai Vu). Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng cũng hơn 20 triệu đồng/tháng, đủ chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học. Thế nhưng, giờ việc làm ít, anh chỉ làm ca sáng, còn vợ anh cũng bị giảm việc, không tăng ca, thu nhập thấp hẳn. Dù gia đình anh có lắp điều hòa nhưng chỉ hôm nào rất nóng mới dám bật một lúc. Nhiều tháng nay vợ chồng anh phải nợ tiền điện, nước chủ nhà trọ.

“Giờ cái gì cũng tăng giá, thu nhập lại giảm một nửa. 2 tuần trước 5.000 đồng/mớ rau muống, hiện lên 7.000 đồng/mớ. Thịt lợn thì không tăng nhiều nhưng cứ nhích dần, cuối tháng trước có 120.000 đồng/kg thịt ba chỉ, giờ đã tăng 130.000 đồng/kg”.


Nhiều tháng nay, vợ chồng anh Phạm Văn Trò, công nhân Công ty TNHH Toyo Denso Việt Nam phải nợ tiền điện, nước của chủ trọ do thu nhập giảm một nửa

Chị Vàng Thị Kiết làm công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi đã được 5 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy thu nhập thấp như hiện tại, do ít việc làm. “Mỗi tháng thu nhập của tôi 7 triệu đồng. Cứ hết tháng là hết tiền. Nếu kéo dài như vậy thì tôi phải chuyển công ty khác có thu nhập tốt hơn", chị Kiết chia sẻ.

Anh Lò Văn Ngọc, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Oriental Sports Việt Nam (Nam Sách) cho biết từ ngày 15.7 không phải làm thứ bảy nữa do đơn hàng ít. Vì thế, thu nhập cũng giảm đi, trước đây 8 triệu đồng/tháng, nay chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Đời sống đi xuống

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kinh tế thế giới khó khăn nên nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng, đặc biệt là ngành may mặc. Theo anh Phạm Đình Họa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi, năm 2019, doanh nghiệp có 23.000 lao động nhưng từ tháng 10.2022, đơn hàng sụt giảm, ít việc làm, nay chỉ còn 13.500 công nhân, lao động. Thu nhập của công nhân làm việc tại đây giảm từ 13 triệu đồng/tháng xuống còn 7 triệu đồng/tháng, người lao động nghỉ thứ bảy, không tăng ca.

Anh Họa nhận xét: “Đây đúng là lúc trăm dâu đổ đầu… công nhân. Lương thấp, trong khi chịu đủ các chi phí. Đời sống sinh hoạt ngày càng bị bó hẹp lại vì không có tiền. Giờ không phải tăng ca nên nhiều công nhân về sớm đi rửa bát thuê cho một số nhà hàng ăn để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.


Nhiều khu nhà trọ còn trống phòng. Trong ảnh: Dãy nhà trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Mừng ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) còn trống 10 phòng

Theo các chủ nhà trọ ở gần các khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), Tân Trường, Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), nhu cầu thuê phòng trọ của công nhân giảm từ 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Một số dãy trọ những năm trước chật kín thì năm nay có tới 1/3 số phòng để trống. Mặc dù nhiều chủ nhà trọ đã lắp thêm điều hòa hoặc giảm giá thuê phòng nhưng vẫn ít người hỏi thuê. Bà Nguyễn Thị Mừng, chủ nhà trọ ở phường Tứ Minh cho biết gia đình bà có 30 phòng trọ nhưng giờ trống 10 phòng. Bà Mừng cho biết có nhiều công nhân trước kia ở riêng phòng nhưng giờ dồn phòng để tiết kiệm chi phí. Nhiều doanh nghiệp giảm, giãn giờ làm, thậm chí cho công nhân nghỉ việc luân phiên nên họ về gần nhà làm để giảm chi phí tiền thuê trọ và đi lại.

Từ tháng 7, lương của công chức, viên chức tăng đã khiến giá các loại dịch vụ, hàng tiêu dùng tăng theo. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, Hải Dương có hơn 30.000 lao động phải thuê trọ, trong đó hơn 90% là người tỉnh ngoài. Công nhân thuê trọ chủ yếu ở các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Ngoài tiền thuê trọ còn những khoản tiền sinh hoạt khác, chi tiêu khác tốn kém hơn. Nếu như trước đây thu nhập cao, công nhân còn thường xuyên đi trà nước, giao lưu sau mỗi giờ làm việc nhưng giờ thì tan ca là về phòng trọ. Đời sống của họ bị bó hẹp trong 4 bức tường.

Vừa qua khi được biết Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp vào đầu tháng 8 tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát tâm tư của người lao động. Hầu hết các ý kiến mà tổ chức công đoàn thu nhận được là người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2024 để bù đắp chi phí cuộc sống.

PV 

(0) Bình luận
Công nhân gặp "gió ngược"