Công nhân chật vật tìm chỗ gửi con

22/11/2021 10:35

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho trẻ mầm non nghỉ học khiến không ít gia đình công nhân phải chật vật tìm nơi gửi trẻ, thay phiên nghỉ ở nhà chăm con hoặc "nhốt" con trong nhà...

Anh Nguyễn Văn Nam ở nhà trông con thay vợ đi làm ban ngày 

Không có chỗ gửi con nên nhiều ngày nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) phải thay nhau ở nhà trông con hơn 3 tuổi. Cả nhà 3 người sống trong căn phòng trọ rộng chừng 15m2. Trước khi có dịch, cháu được gửi ở một trường mầm non tư thục trong xã.

Vợ chồng anh Nam quê ở Nghệ An, bố mẹ già yếu, lại do dịch bệnh nên đi lại khó khăn, anh đã tìm người trông trẻ nhưng họ đòi trả công cao nên anh bàn với vợ xin quản lý xưởng cho hai vợ chồng làm thay ca để có thời gian trông con. Hôm anh làm ca ngày thì vợ làm ca đêm và ngược lại. Anh Nam đang rất lo lắng vì việc luân phiên làm ca ngày, ca đêm của vợ chồng anh không thể kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của công ty.

"Trước đây, con đi học, cứ đến chiều vợ chồng cùng đi làm về đón con, tối đến sum vầy bên nhau. Giờ người làm đêm, người làm ngày, cơm nước cũng bận rộn hơn hẳn. Vợ chồng tôi cũng còn may khi công ty linh động hỗ trợ, nhiều người phải nghỉ hẳn việc ở nhà trông con", anh Nam nói.

Những ngày qua, cuộc sống gia đình chị Hoàng Thị Ninh ở trọ tại phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cũng bị xáo trộn. Từ đầu năm đến nay, con chị 5 tuổi chỉ đi học được 2 tháng, còn lại nghỉ ở nhà do dịch.

Chị Ninh buồn rầu nói: "Năm nay, cháu đang học lớp 5 tuổi mà nghỉ nhiều vợ chồng tôi lo lắm. Sang năm cháu lên lớp 1, kiến thức học chưa được bao nhiêu". Ông bà nội ngoại đều ở xa nên không thể nhờ được, chật vật lắm chị Ninh mới tìm được chỗ gửi con. Mỗi tháng vợ chồng chị trả cho người trông con hơn 2 triệu đồng, ngoài ra còn tiền thuê nhà, điện nước, sinh hoạt hằng ngày... Lương công nhân của vợ chồng chị chỉ đủ ăn chứ không có thu nhập tích lũy, nếu vợ chồng, con cái đau ốm hoặc gia đình nội ngoại bất ngờ có việc thì lại phải chạy vạy đi vay.

Nhiều ngày nay, chị Lê Thị Dinh, công nhân Công ty TNHH Long Sơn ở Kim Thành cũng phải "đánh liều" khóa cửa ngoài để 2 con tự ở trong nhà trông nhau. Đứa lớn nhà chị năm nay 7 tuổi, đứa bé mới lên 4 tuổi. Bình thường các cháu đi học đến chiều chị về đón nhưng từ khi có dịch, các trường ở địa phương cho học sinh tạm dừng đến trường nên cứ trưa chị lại tranh thủ về cơm nước cho con rồi đi làm. Đứa nhỏ mới học mầm non, còn đứa lớn lớp 2 phải học trực tuyến. Nhà chỉ có một chiếc điện thoại thông minh, chị Dinh hướng dẫn con vào học rồi lại đi làm.

Chị Dinh nói: "Không yên tâm chút nào khi để các con ở nhà. Thỉnh thoảng tôi lại nhờ hàng xóm sang nhìn qua cửa sổ xem các cháu có an toàn không. Đi làm nhưng không yên mà nghỉ làm thì không có tiền trang trải cuộc sống...".

Do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ để phòng chống dịch. Nhiều công nhân, lao động phải nghỉ làm để trông con, đặc biệt là những người đang ở trọ. Nhiều người lo lắng sau khi dịch được kiểm soát tốt, không biết công ty còn nhận mình vào làm việc không... Họ đều là những công nhân, lao động xa quê.

Ông Nguyễn Xuân Chắc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) cho biết trên địa bàn xã hiện có hơn 4.000 công nhân, lao động ở trọ. Nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc nhưng cũng có nhiều người phải nghỉ việc dài ngày để trông con. Không biết đến bao giờ các cháu mới được đến trường, giảm áp lực cho công nhân, lao động.

Từ ngày 12.10 (bắt đầu thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP) đến ngày 21.11, toàn tỉnh có 420 ca mắc Covid-19, trong đó có 61 ca có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh, thành phố có dịch và 245 trường hợp là F1 của các ca bệnh này. Liên quan đến các ca mắc Covid-19, nhiều địa phương cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch. Một số trường học trở thành nơi cách ly tập trung cho các F1; nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh là F0.

Để giải quyết khó khăn về nơi gửi con trong giai đoạn này, các gia đình công nhân có con nhỏ trong khu nhà trọ cần liên kết, hỗ trợ nhau bằng cách thay phiên nhau trông con nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân, lao động có con nhỏ đang phải nghỉ học được tạm thời nghỉ làm một thời gian hoặc tan làm sớm hơn. Các cấp công đoàn cần có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn giúp người lao động có con nhỏ yên tâm làm việc.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Công nhân chật vật tìm chỗ gửi con