Công nhân bị xử ép

02/07/2014 07:34

Vì lợi ích trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện đúng, đủ các chế độ và quyền lợi chính đáng đối với người lao động (NLĐ).



Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi và tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người lao động


Đủ kiểu vi phạm

Cách đây chưa lâu, chị Nguyễn Thị Mai, công nhân Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam (khu công nghiệp Tân Trường) bị buộc phải viết đơn nghỉ việc. Sự việc bắt nguồn từ việc chị Mai nhận lời giải quyết giúp những mâu thuẫn cá nhân của một người bạn làm cùng. Cụ thể, chị đã nhận tiền của người bạn nói trên với ý định "bồi thường" cho những người khác vì mục đích chính đáng. Tuy nhiên, việc làm trên lại diễn ra ở khu vực nhà vệ sinh của công ty, nơi có ca-mê-ra giám sát. Sau khi nhận tiền xong, trở về đến chỗ làm thì chị đã bị công an đến bắt với tội danh bị tố cáo là "tống tiền". Ngay sau đó, chị Mai bị buộc thôi việc và đại diện công ty không hề can thiệp tìm hiểu rõ sự việc. Oan ức vì bị mất việc đột ngột mà không hề được công ty chi trả các chế độ được hưởng như trả lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền nợ lương 1 tháng chưa thanh toán... nên chị Mai bức xúc viết đơn gửi lên công ty, thậm chí tự biểu tình đòi quyền lợi trước cổng công ty nhiều ngày. Tuy nhiên, mọi việc làm trên của chị Mai không tác dụng, Công ty Iriso Việt Nam vẫn không hề thanh toán các chế độ theo quy định cho chị. Chỉ đến khi chị gửi đơn đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh nhờ can thiệp, chị mới được giải quyết các chế độ trên sau 5 tháng nghỉ việc. "Có thể do một vài người ở công ty không thiện cảm với tôi nên mới dồn tôi đến bước đường cùng như vậy. Tôi chỉ thấy buồn vì mình không được đại diện công ty bảo vệ mà còn tiếp tay cho việc làm ấy bằng cách không thực hiện đúng việc thanh toán các chế độ cho tôi sau khi nghỉ việc", chị Mai bức xúc cho biết.

Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại Toàn Tiến (TP Hải Dương) là công ty tư nhân nên mọi chế độ chính sách với NLĐ đều do công ty thỏa thuận với họ. Tuy nhiên, vì biết rằng hầu hết công nhân đều là lực lượng lao động phổ thông lại cần việc làm có thu nhập ổn định nên công ty đã không hề thực hiện bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào ngoài mức lương tính theo hình thức khoán sản phẩm. Vậy là nhiều năm liền NLĐ chịu thiệt thòi, bị công ty "bắt nạt" mà không biết kêu ai. Anh Nguyễn Văn H., công nhân công ty cho biết: "Tôi vào làm gần 3 năm nhưng không được đóng bất kỳ loại hình bảo hiểm nào. Hằng tháng, công nhân chúng tôi vẫn bị trừ tiền công đoàn phí nhưng chưa bao giờ được tham gia hoạt động gì do công đoàn công ty tổ chức". Gần đây, khi công nhân, lao động (CNLĐ) trong công ty tổ chức ngừng việc tập thể, biết không thể kéo dài thêm thời gian "bắt nạt" NLĐ, đại diện công ty mới chấp nhận thỏa thuận một số điều khoản có lợi cho công nhân. Tuy nhiên, theo phản ánh của CNLĐ trong công ty thì họ cũng mới chỉ được đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), còn nhiều chế độ khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hợp đồng lao động vẫn chưa được ký đúng quy định. Đặc biệt, công đoàn công ty ngoài hoạt động thăm hỏi hiếu, hỷ ra thì chưa tổ chức được bất kỳ hoạt động nào để nâng cao đời sống tinh thần  cho NLĐ, chưa tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc...

Việc các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi của NLĐ vẫn rất phổ biến. Theo LĐLĐ tỉnh, tính đến hết tháng 5 năm nay, số tiền các đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh ta nợ BHXH, BHYT là gần 154 tỷ đồng. Từ con số trên có thể thấy rất nhiều NLĐ đang bị vi phạm quyền lợi. Trong trường hợp những CNLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp trên bị tai nạn, đau ốm, thai sản... sẽ không đủ điều kiện giải quyết mặc dù bản thân đều trích nộp đầy đủ các khoản đóng góp với doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của hơn 7.500 CNLĐ. Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh thì tất cả vụ việc đều tập trung vào các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với NLĐ như tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, tiền thâm niên, chế độ BHXH, BHYT... Nhiều CNLĐ phản ánh họ không nhận được thẻ BHYT do bị doanh nghiệp giữ lại. Khi nào cần đến phải mất rất nhiều thời gian và thủ tục doanh nghiệp mới giải quyết cho từng người. Chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) thực hiện đúng những quy định về dân chủ như tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ hằng năm. Đấy là còn chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp (chủ yếu của tư nhân) chưa có tổ chức công đoàn, những quyền lợi trên của NLĐ rất khó được bảo đảm. Theo bà Tống Thị Thoa, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, trung tâm thường xuyên nhận được phản ánh của NLĐ về việc bị doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi. Trong đó chủ yếu như bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, không trả sổ bảo hiểm khi cho nghỉ việc, nợ lương quá thời hạn, các chế độ thai sản...


 Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho công nhân, lao động

Đừng để "tức nước vỡ bờ"

Hầu hết các doanh nghiệp đều biết những vi phạm trên nhưng họ vẫn không thay đổi, bởi nó mang đến lợi ích cho người sử dụng lao động. Những vi phạm dù nhỏ nhưng với số lượng CNLĐ lớn và diễn ra trong nhiều ngày sẽ mang đến cho doanh nghiệp "khoản thu" không hề nhỏ. Chỉ ở những đơn vị hoạt động của tổ chức công đoàn tốt thì vi phạm mới không còn hoặc giảm rõ rệt. Công ty Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) là một ví dụ. Tổ chức công đoàn luôn đứng ra can thiệp và phối hợp làm tốt vai trò đại diện của mình. Vì vậy NLĐ ngoài việc được nhận các chế độ theo đúng quy định của pháp luật còn được công ty hỗ trợ nhiều khoản phụ cấp ngoài luật như: bản thỏa ước lao động tập thể cho phép công nhân nghỉ thêm 1 ngày thứ 7 trong tháng, hằng năm được tổ chức đi tham quan du lịch 1 lần, nữ công nhân nuôi con nhỏ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng và công ty còn hỗ trợ về vật chất đối với những trường mầm non lân cận nhận gửi nhiều con của CNLĐ đang làm việc tại công ty, hằng năm được tham gia hội thi văn nghệ, thể thao...

Điều đáng nói là trước những vi phạm trên nhiều khi chính NLĐ cũng không biết. Thậm chí có trường hợp biết nhưng vẫn chấp nhận làm việc bởi phần lớn họ là lao động phổ thông, không biết nhiều về những quyền lợi mình được hưởng, chỉ quan tâm đến mức thu nhập thực tế hằng ngày. Chỉ đến khi cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện ra hoặc "tức nước vỡ bờ", khi CNLĐ bị dồn nén lâu ngày tổ chức đình công. Để quyền lợi chính đáng của NLĐ không bị vi phạm cần có những thay đổi tích cực từ nhiều phía. Trước hết, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình. Thực hiện đầy đủ chế độ với NLĐ là một nét đẹp văn hóa tại nơi làm việc, nó chính là động lực nuôi dưỡng, khích lệ tài sản quý giá nhất để làm ra mọi giá trị vật chất khác. Tổ chức công đoàn nói chung, đặc biệt là công đoàn cơ sở phải thể hiện đúng vai trò đại diện bảo vệ NLĐ của mình. Bên cạnh hoạt động chăm sóc quyền lợi cho họ cần tích cực tổ chức tuyên truyền, trang bị các kiến thức pháp luật liên quan để NLĐ có thể tự bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm ngoài việc yêu cầu thực hiện đúng cần có biện pháp xử lý nghiêm như buộc phải bồi hoàn toàn bộ giá trị đã chiếm dụng của NLĐ trong thời gian vi phạm.

NGỌC THANH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân bị xử ép