Sa chân vào "tín dụng đen", khi không trả được nợ, nhiều công nhân, lao động không chỉ bị vòng xoáy nợ nần mà còn bị quấy rối, đe dọa và bêu xấu.
Vẫn biết có vay phải có trả, nhưng với mức lãi suất “cắt cổ” của "tín dụng đen" thì người lao động vốn đã túng thiếu nay lại càng thêm gánh nặng.
Nợ tiền "tín dụng đen" và bị bêu xấu là chuyện đã xảy ra với chị L.T.H., công nhân Công ty TNHH Vietory ở phường Hiệp An (Kinh Môn). Những tờ giấy có nội dung bôi nhọ danh dự chị H. được dán ở cổng công ty, khu nhà trọ. Trên đó nêu rõ nhiều thông tin của người vay như: họ tên, số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại, hình ảnh cá nhân, thông tin nợ nần và bêu riếu đời tư cá nhân.
Nhiều người lao động như chị H. đã phải chịu cảnh tương tự. Một số thông tin trên những tờ rơi là đúng vì thực tế người lao động có vay tiền nhưng không trả đủ. Một số thông tin khác là bịa đặt nhằm bôi nhọ nhân phẩm, ép người lao động phải trả tiền. Không chịu được áp lực bị đòi nợ, có công nhân đã phải nghỉ việc. Cuộc sống của những người thân trong gia đình cũng bị ảnh hưởng...
Về câu chuyện công nhân, lao động bị bêu xấu khi vướng vào "tín dụng đen", có người cho rằng đây là cái giá mà họ phải trả khi đã vay tiền nặng lãi. Nhất là với những người muốn vay nóng để trả nợ cờ bạc, cá độ bóng đá hoặc đua đòi mua xe đẹp, điện thoại xịn... Thế nhưng không phải tất cả những ai vay "tín dụng đen" đều vì tiêu xài hoang phí hoặc cờ bạc. Cuộc sống công nhân xa nhà gặp nhiều khó khăn, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều người thiếu thốn khi phải chi trả tiền ăn, tiền trọ. Họ không biết tìm ai hỗ trợ, trong khi bủa vây khắp nơi là các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay. Họ chấp nhận vay tiền với lãi suất cao mà không lường trước được hậu quả. Đến kỳ hạn mà không có tiền trả, họ bị tính thêm tiền phạt. Lương công nhân chưa đủ sống, nay lại cõng thêm khoản nợ vượt quá khả năng chi trả.
Những năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã tích cực triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi. Song hình thức cho vay này vẫn len lỏi trong đời sống xã hội, diễn biến phức tạp tại các khu đông công nhân ở trọ. "Tín dụng đen" rất dễ trở thành vấn nạn trong đời sống công nhân nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.
Các doanh nghiệp nên thường xuyên tổ chức tuyên truyền để cảnh báo và nâng cao nhận thức của người lao động trước những lời chào mời, cám dỗ cho vay nóng. Việc quan tâm, hỗ trợ công nhân tiếp cận với nguồn vốn những lúc khó khăn cũng cần được chú trọng hơn. Hơn ai hết, bản thân người lao động cần cảnh giác trước những lời quảng cáo hấp dẫn từ cho vay tiền nhanh, tránh sa vào cạm bẫy của "tín dụng đen".
THIÊN DI (Kim Thành)