Công nghiệp vượt khó

13/09/2010 06:52

Từ năm 2006-2010 là một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế... Song, vượt lên tất cả, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định, đạt được những kết quả tích cực.

Giai đoạn 2006-2010 là một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu; thời tiết diễn biến phức tạp; dịch bệnh xảy ra liên tiếp... Song vượt lên tất cả và bằng sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, sự nỗ lực của toàn ngành, cũng như sự điều hành các chính sách linh hoạt của nhà nước, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.

"Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2006-2010" là một trong những chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Để cụ thể hóa chương trình, lĩnh vực công nghiệp đã xây dựng 3 đề án: “Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp công nghệ cao"; "Phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm" và đề án "Phát triển tiểu, thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường”. Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cũng như sự điều hành linh hoạt của các chính sách trong từng giai đoạn, các đề án trong chương trình phát triển công nghiệp chung của toàn tỉnh đã thành công, góp phần thúc đẩy công nghiệp tỉnh nhà phát triển. Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 12,9%/năm (mục tiêu tăng 20%/năm), trong đó công nghiệp tăng bình quân 13,5%/năm; quy mô công nghiệp năm 2010 gấp gần hai lần so với năm 2005. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước - ngoài nhà nước - khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 là 41,2% - 20,9% - 37,9%, sang năm 2010 là 27% - 25,5% - 47,5%).

Giai đoạn 2006-2010, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp công nghệ cao từng bước vượt qua khó khăn, duy trì sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt khoảng 16 nghìn 277 tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2005 (năm 2005 là 7 nghìn 984,9 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 15,2%/năm (mục tiêu là 24,4%/năm). Các ngành công nghiệp có lợi thế, công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong toàn ngành (dự tính đến hết năm 2010, giá trị sản xuất chiếm khoảng 77% (năm 2005 là 66,4%), giá trị xuất khẩu chiếm trên 88,2% (năm 2005 là 77,6%). Từ năm 2006 đến nay đã thu hút được khoảng 170 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư gần 30 nghìn tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2010 tổng số dự án đầu tư là 220 dự án, tổng vốn đầu tư của các dự án là 29.381 tỷ đồng, vượt cao so với mục tiêu là 20 nghìn tỷ đồng…


Ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Xây dựng dây chuyền 3 Công ty Xi-măng Hoàng Thạch. Ảnh tư liệu

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến giá trị sản xuất năm 2010 đạt 7 nghìn 100 tỷ đồng, vượt 18% so với mục tiêu, tăng trưởng bình quân đạt 13,9%. Các sản phẩm chủ yếu là: Xi-măng, gạch xây, gạch ceramic… Công nghiệp may, giày là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới. Song bằng sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, giá trị sản xuất ngành may mặc vẫn tăng 63% so với mục tiêu… Toàn tỉnh đã quy hoạch 20 khu công nghiệp (KCN), 32 cụm công nghiệp (CCN), trong đó nhiều KCN đạt tỷ lệ lấp đầy cao. Phát triển tiểu, thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Số lượng làng có nghề tăng, quy mô nhiều làng nghề được mở rộng và phát triển. Giá trị sản xuất của làng nghề công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp không ngừng tăng lên, năm 2005 mới chỉ đạt 887,7 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 2 nghìn 960 tỷ đồng (mục tiêu 2 nghìn 600 tỷ đồng), tốc độ tăng bình quân 27,3%/năm (mục tiêu 25%/năm). Nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng tiếp tục được duy trì và phát triển, nhiều sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới: Bánh đậu xanh Hải Dương, thêu ren Tứ Kỳ, mây tre đan Thanh Miện, đồ gỗ mỹ nghệ Đông Giao, gốm sứ Chu Đậu... Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 26 nghìn lao động, chiếm 16,5% trong tổng lao động công nghiệp. Bên cạnh việc khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, các địa phương đã coi trọng việc du nhập, nhân cấy nghề mới, đặc biệt là đưa nghề vào các làng thuần nông. Đến nay, trên 80% số làng trong tỉnh có nghề, hơn 50 làng đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Dự kiến đến hết năm 2010 sẽ có hơn 60 làng được cấp bằng.


Trong 5 năm qua, giá trị công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm của tỉnh ta tăng trưởng bình quân 22,3%/năm

Giai đoạn 2006-2010, ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tiếp tục phát triển, hằng năm kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn có mức đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh. Số cơ sở chế biến nông sản thực phẩm và lao động đều tăng. Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng bình quân cao như: Rau, quả các loại đạt 30 nghìn tấn, tăng 14,6%/năm; chế biến tỏi đạt 4.000 tấn, tăng 29,4%/năm; dưa chuột muối đạt 21 nghìn tấn, tăng 16,7%/năm; thức ăn gia súc đạt 310 nghìn tấn, tăng 23,4%/năm; bia các loại đạt 55 triệu lít, tăng 15,1%/năm; rượu các loại đạt 15 triệu lít, tăng 15,6%/năm… Dự kiến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2 nghìn 800 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 22,3%/năm (mục tiêu 22%/năm); giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 8,5%/năm (mục tiêu 22%/năm)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số mục tiêu của chương trình sản xuất công nghiệp còn ở mức thấp, như: Giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng và một số sản phẩm chủ yếu. Việc quán triệt, cụ thể hoá chương trình và các đề án phát triển công nghiệp của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa kịp thời, triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, lúng túng, chỉ đạo chưa cụ thể, chưa nghiêm. Nhiều dự án chậm đi vào đầu tư xây dựng, gây lãng phí tài nguyên nhưng chưa bị xử lý, thu hồi triệt để. Nhà ở cho công nhân, chính sách xã hội đối với người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ tay nghề, nhất là các ngành công nghệ cao và công tác quản trị doanh nghiệp. Việc quản lý các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án chưa nghiêm.Thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCN tập trung; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và thu hút các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các KCN, CCN, nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN hiện có. Thực hiện cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng chung cư, bảo đảm nhà ở cho công nhân và phát triển các dịch vụ an sinh xã hội (nhà văn hoá, khu thể thao, trường học, bệnh viện...) ở các khu vực công nghiệp tập trung. Tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao và các sản phẩm để xuất khẩu, chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo; trong đó chú trọng một số ngành công nghiệp chủ lực: Cơ khí, điện, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp với nhiều quy mô, trình độ khác nhau, phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh. Duy trì hoạt động và đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để phát huy tối đa công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có, tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng để các dự án công nghiệp mới sớm đi vào hoạt động. Tập trung phát triển một số sản phẩm chủ yếu: Lắp ráp ô-tô, máy bơm nước, thép và kết cấu thép, nhôm thanh, nhôm hình, dây cáp điện, các thiết bị điện tử, xi - măng, vật liệu xây dựng không nung; tiếp tục phát triển các sản phẩm nông sản.

TRANG NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp vượt khó