Công nghệ lạc hậu "bó tay" doanh nghiệp dệt may

02/10/2017 07:04

Được xác định là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực nhưng do công nghệ sản xuất chậm được đổi mới khiến các doanh nghiệp của ngành này yếu thế trong cạnh tranh.



Nhiều doanh nghiệp may của tỉnh vẫn phải cắt vải thủ công


Nhập khẩu máy may cách nay 50-60 năm

Ông Boris Abadjieff, một chuyên gia trong lĩnh vực máy móc, thiết bị ngành may của Đức khi đến thăm một số doanh nghiệp may của Hải Dương rất bất ngờ trước những chiếc máy cũ kỹ, lạc hậu đang được sử dụng. Vị chuyên gia này tỏ ra lo lắng cho các doanh nghiệp Hải Dương về khả năng cạnh tranh khi công nghệ của nhiều nước có ngành công nghiệp dệt may đi sau Việt Nam lại hiện đại và tiên tiến hơn.

"Máy móc lạc hậu đang cản trở các doanh nghiệp may phát triển. Nhiều nước có ngành công nghiệp may phát triển sau Việt Nam như Campuchia, Bangladesh hay Malaysia hiện cũng đã sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến hơn. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh vẫn chủ yếu đang sử dụng máy may cũ kỹ được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc cách đây đã 50-60 năm. Vì vậy, không ít doanh nghiệp may mặc của Hải Dương đang lo thiếu đơn hàng do khó cạnh tranh với các doanh nghiệp của nước ngoài vì giá gia công cao hơn, chất lượng sản phẩm kém hơn”, ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) cho biết.

Các doanh nghiệp may của tỉnh chậm đổi mới công nghệ chủ yếu do thiếu kinh phí đầu tư. Theo tính toán của ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương, nếu đầu tư cho một dây chuyền tự động, doanh nghiệp sẽ tốn hàng tỷ đồng. Mặc dù doanh nghiệp biết rõ đầu tư công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng số tiền này không phải là nhỏ đối với các doanh nghiệp may mặc. Hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu tập trung vốn để phát triển thị trường, tìm kiếm đơn hàng để tồn tại. Thậm chí phải cạnh tranh với các doanh nghiệp may có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên địa bàn tỉnh để giữ thị phần nên chưa có điều kiện đổi mới công nghệ.

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhưng để tiếp cận chương trình này không dễ bởi tiêu chuẩn để doanh nghiệp được hỗ trợ hoặc tiếp nhận chuyển giao khoa học, kỹ thuật từ các nước có nền công nghiệp may phát triển lại quá cao. Chưa kể khi các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng khả năng tiếp nhận và vận hành máy móc của công nhân hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại vì phải mất thêm chi phí đào tạo. Họ buộc phải thuê kỹ sư từ các nước đến chuyển giao và vận hành trong thời gian ít nhất 6 tháng. Điều này khiến không ít doanh nghiệp ngại ngần.

Cấp thiết

Không ít doanh nghiệp may mặc của Hải Dương đang lo thiếu đơn hàng do khó cạnh tranh với các doanh nghiệp của nước ngoài vì giá gia công cao hơn, chất lượng sản phẩm kém hơn.


Về lâu dài, nguồn nhân lực dồi dào không được coi là thế mạnh để Hải Dương phát triển công nghiệp dệt may. Muốn tồn tại và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, các doanh nghiệp may mặc của Hải Dương phải đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp cho người lao động. Nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng giảm tỷ lệ gia công, chuyển nhanh sang hình thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc cao hơn là sản xuất, thiết kế và tự bán sản phẩm thì sẽ dần bị tụt hậu. Nhiều doanh nghiệp may đang khó kiếm đơn hàng và mở rộng thị phần do khó cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công đến từ các quốc gia khác.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Chính ở xã Phạm Mệnh (Kinh Môn), các doanh nghiệp may mặc không còn cách nào khác là phải gấp rút đổi mới công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm dần khoảng cách về công nghệ so với các nước trong khu vực. Để làm được điều này, trước hết tỉnh cần nhanh chóng triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may. Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Hải Dương đến năm2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng từ lâu, nhưng đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may của Hải Dương vẫn giậm chân tại chỗ. Doanh nghiệp hiện vẫn phải nhập khẩu từ cây kim đến sợi chỉ; 80% sản lượng nguyên, phụ liệu phục vụ ngành may vẫn đang phải nhập khẩu.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cần năng động, nhạy bén, dành những khoản chi phí nhất định để đổi mới, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Các doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Hiện nay, Hải Dương cũng đang triển khai các chương trình, đề án để giúp các doanh nghiệp của tỉnh không bị tụt hậu như “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp Hải Dương giai đoạn 2013- 2020” và xây dựng Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ Hải Dương giai đoạn 2017 - 2021”. Các đề án này sẽ giúp các doanh nghiệp Hải Dương ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản trí tuệ do mình sáng tạo ra, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó có các doanh nghiệp may mặc...

HẢI MINH

Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có tới 76% thiết bị, máy móc trong các doanh nghiệp may mặc được nhập khẩu công nghệ nước ngoài từ những năm 1960-1970. 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% được tân trang lại.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ lạc hậu "bó tay" doanh nghiệp dệt may