Công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động

27/10/2012 16:54

66 năm trước, ngày 27-10-1946, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong hơn 1 giờ, Người đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về tổ chức công đoàn thế giới, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam hiện nay và ký tên vào Sổ Vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bác Hồ nêu rõ: “Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng. Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước”. Người khẳng định: “Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho Công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con. Viên chức và công nhân đều là những người phải làm mới có ăn. Ở Nam Bộ không những là công nhân có quyền tổ chức mà tất cả các tầng lớp nhân dân đều có quyền tự do tổ chức và các quyền tự do dân chủ khác đúng như bản Tạm ước”.

Bác Hồ là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua những hoạt động đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn, Bác đã thấy được những mô hình về công đoàn và sự cần thiết của nó đối với giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1925, Bác đã viết một số bài về tổ chức Công hội Đỏ quốc tế và đề cập đến việc thành lập một tổ chức công đoàn ở Việt Nam (lúc đó gọi là Công hội). Đến ngày 28-7-1929, đã diễn ra hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Đây là kết quả tất yếu được liên kết từ những mốc son trước đó của Bác kính yêu với tổ chức Công đoàn.

Năm 1941, Hội Công nhân cứu quốc đã ra đời, các tổ chức Công đoàn phát triển mạnh trong cả nước. Ngày 20-7-1946, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập. Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, Bác Hồ luôn quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức và kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào thi đua ái quốc. Từ sáng kiến của Bác, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua nổi tiếng và đạt được những kết quả to lớn như: “Thi đua ái quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Ngày nay, tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn đang không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

BẢO CHÂU (biên soạn)

(0) Bình luận
Công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động