Trong 5 đêm diễn ra từ ngày 28-8 đến 1-9, khán giả sẽ được thưởng thức 5 vở kịch tiêu biểu nhất của Lưu Quang Vũ.
Để tưởng nhớ 26 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, một chuỗi những tác phẩm của ông sẽ được 3 nhà hát (Nhà hát Tuổi Trẻ, Kịch Việt Nam, Chèo Hà Nội) dàn dựng lại ra mắt khán giả Thủ đô nhân dịp Quốc khánh 2/9 với tên gọi “Nhớ anh”.
Trong 5 đêm diễn ra từ ngày 28/8 - 1/9, khán giả sẽ được thưởng thức 5 vở kịch tiêu biểu của Lưu Quang Vũ gồm: “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Bệnh sĩ”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội).
Vở kịch "Bệnh sỹ" là một trong 5 tác phẩm được biểu diễn trong chương trình lần này (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)
Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây lại là giá vé. Nếu như những chương trình nghệ thuật diễn ra tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô có giá vé trên dưới 1 triệu đồng thì lần này giá vé của những đêm diễn chỉ từ 100 - 200.000 đồng.
Giải thích về lý do giá vé lại rẻ như vậy, bà Hoài Oanh - Giám đốc Công ty cổ phần Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô - đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật “Nhớ Anh” cho biết: “Với giá vé thấp như vậy, chúng tôi hy vọng tất cả khán giả Thủ đô, yêu mến tài năng của Lưu Quang Vũ có thể đến thưởng thức những tác phẩm kinh điển, có sức sống vượt thời gian. Dù lỗ hay lãi thì chúng tôi vẫn làm, làm vì lòng mến mộ và vì một con người tài hoa”.
NSƯT Chí Trung
Đóng vai trò là trợ lý đạo diễn chương trình, NSƯT Chí Trung cho biết: “Chương trình là sự tưởng nhớ của các nghệ sỹ tới nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nó giống như những nén hương bằng nghệ thuật mà chúng tôi muốn thắp cho anh nhân ngày mất của anh. Vì vậy, dù có bán được vé hay không thì chúng tôi vẫn làm hay lấp đầy rạp bằng mọi biện pháp. Đó là cách giữ men lửa cho những tác phẩm của Lưu Quang Vũ chứ hoàn toàn không mang tính thương mại ở đây”.
5 món ăn tinh thần bổ ích đối với khán giả
5 vở kịch: Bệnh sĩ; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Mùa hạ cuối cùng; Nàng Sita, được biểu diễn lần này trong chương trình giống như những món ăn tình thần đối với người yêu kịch Hà Nội. Những bài học, hình ảnh phê phán mang tính xã hội sâu sắc sẽ được khóe léo lồng ghép qua các tính huống của các vở kịch.
Đầu tiên phải kể tới là vở kịch “Bệnh sĩ”, đây là một trong những tác phẩm hài kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ nói về bối cảnh xã hội 26 năm trước nhưng vẫn mang nhiều ý nghĩa với xã hội hiện nay. Vở kịch, phê phán tính “sĩ hão” của một số người trong xã hội thời bao cấp, nhưng vẫn rất gần với cuộc sống hiện nay.
Còn với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, lại được lấy từ cốt truyện dân gian Trương Đồ Nhục, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một tác phẩm kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lý nhân văn về cuộc đời. Đây được cho là một trong những kịch mục xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ.
Cảnh trong vở "Nàng Sita" (Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội)
Ngoài ra, trong chương trình “Nhớ anh” lần này, khán giả Thủ đô cũng có dịp xem lại “Nàng Sita” - vở diễn đề cao tình yêu, sự thủy chung, đức hy sinh và khát vọng làm người. Dù được dàn dựng lần đâu tiên cách đây 30 năm nhưng cho tới bây giờ khi dựng lại nó vẫn phù hợp với thời đại.
Theo NSƯT Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội: “Vở chèo “Nàng Sita” là một trong những “đồ quý hiếm” của nhà hát. Điều đó được khẳng định bằng những đêm diễn luôn chật kín khán giả và điều này cũng cho thấy người Hà Nội không quay lưng với chèo, họ vẫn chờ đợi những gì xuất sắc, tinh tế nhất”.
Khi nhắc tới Lưu Quang Vũ mà không nhắc tới vỏ kịch “Lời thề thứ 9” thì thật thiếu sót. Bởi đây là một vở diễn thanh công và nổi tiếng được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và biểu diễn khắp cả nước. Đồng thời, nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã giành huy chương khi tham gia vở diễn.
Cảnh trong vở "Lời thế thứ 9" (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)
Được dàn dựng và biểu diễn xuyên Việt cách đây 30 năm nhưng vở kịch “Lời thề thứ 9” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. NSƯT Chí Trung khẳng định: “Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó. Vở diễn nói lên được sự bức xúc trăn trở của người dân với những việc làm chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, trong lần này, một vài chi tiết của kịch đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay”.
Vở “Mùa hạ cuối cùng” là những suy nghĩ, kỉ niệm của một thời học trò, tuổi thiếu niên mà mỗi người đều không thể quên. Tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn trở thành nhưng con người có ích trong xã hội.
NSƯT Chí Trung đạo diễn “Mùa hạ cuối cùng” chia sẻ: “Tôi cố gắng mang tinh thần của anh Vũ đến gần hơn với khán giả, như một nén nhang tri ấn tới người anh của mình. Vấn đề giáo dục hiếm khi đem lại hiệu ứng cao cho khán giả bởi viết về giáo dục rất khó và để nó hay lại càng khó”./.
Lịch diễn 5 vở kịch tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội):
Ngày 28/8: “Bệnh sỹ”(Nhà hát Kịch Việt Nam).
Ngày 29/8: Đêm thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh và “Lời thề thứ 9” (Nhà hát
Tuổi Trẻ).
Ngày 30/8: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”(Nhà hát Kịch Việt Nam).
Ngày 31/8: “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội).
Ngày 1/9: “Mùa hạ cuối cùng”(Nhà hát Tuổi Trẻ).