Đón ông bạn làm báo từ Hà Nội về, ông Văn kể:
- Hồi tôi mới chuyển đến phố này, tuy đã có biển nhưng một số người dân sống lâu ở đây vẫn chưa biết tường tận về danh nhân ấy. Mãi sau này tìm hiểu mới rõ, đó là tên một nữ tướng của thời Bà Trưng mà nguồn gốc quê quán cũng thuộc tỉnh nhà…
Ông nhà báo mở quyển sổ tay ghi chép. Khi xuống xe, nhà báo đã nghe người ta nói tới hai tên phố mà chữ đầu là “Thiện”. Đến giờ ông mới hiểu đó là hai chị em: Thiện Nhân và Thiện Khánh. Tham khảo sách Địa chí thành phố, ông càng thấy hấp dẫn hơn.
Đó là hai người phụ nữ sinh đôi trong một gia cảnh nghèo khó. Vào thời kỳ nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, hai chị em Bà Trưng ở quận Châu Phong thuộc Vĩnh Phúc bây giờ đã phất cờ nổi dậy, đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán.
Theo lời kêu gọi của Hai Bà, cuộc khởi nghĩa được dân chúng tham gia, chiếm lại nhiều nơi, rồi hội quân đóng đô ở Mê Linh. Trong số những tướng lĩnh thời đó có chị em bà Thiện Nhân, Thiện Khánh, quê ở làng Tuyển Cử, thuộc Bình Giang bây giờ…
- Kết cục cuộc khởi nghĩa, hai chị em bà Thiện ra sao? - ông nhà báo hỏi.
- Hai bà lui quân về vùng đất xứ Đông, nay thuộc huyện Kinh Môn, tiếp tục chống quân Tầu và anh dũng hy sinh. Hiện vẫn có đền thờ hai nữ tướng ở Huề Trì, xã An Phụ.
Được hỏi chuyện, hưng phấn lên, ông Văn đọc luôn một bài văn vần về phố hai nữ tướng. Mở đầu khẳng định: “Dân ta biết sử phố ta/ Thiện Nhân, Thiện Khánh vốn là chị em” và kết thúc bằng câu: "Là công dân phố Hai Bà/ Thêm yêu mảnh đất, ngôi nhà thân thương”. Bài viết ấy đã được ông Văn trao truyền trong tổ Đảng và dân phố, được nhiều người đọc và thuộc đôi câu…
Nhà báo Hà Nội nghe xong câu chuyện thú vị ông Văn kể, rồi hỏi:
- TP Hải Dương trước đây nhỏ hẹp, giờ mở rộng lên đô thị loại một, chắc là có nhiều đường phố lắm?
- Nhiều, riêng trong nội thành, cách đây mấy năm đã có 3 quảng trường, 5 đại lộ, 29 đường và 205 phố.
- Thảo nào tôi gặp nhiều người dân hỏi địa chỉ bạn bè, bà con nhưng họ cũng không biết - ông nhà báo Hà Nội góp ý - Nên có thời gian để ngành văn hóa - thông tin phối hợp với các tổ chức tuyên truyền sâu rộng không những về tên đường phố mà cả về nội dung, lịch sử, ý nghĩa của từng danh nhân văn hóa, danh tướng hay sự kiện, danh từ… tên đường phố ấy.
- Đúng thế! Đó cũng là nhu cầu của người dân, bởi khi thành phố đã lên bậc thì sự giao lưu ngày càng mở rộng, không chỉ trong và ngoài tỉnh mà còn cả du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế. Lẽ nào là công dân thành phố loại một lại không hiểu được nơi mình ở, nhất là con phố mình đang sống?
- Phải lắm! Tên đường phố đâu chỉ là chỉ dẫn địa lý mà còn chứa đựng nội dung văn hóa, lịch sử… vô cùng phong phú. Hiểu được sẽ làm cho đời sống thêm ý nghĩa, cũng là một nguồn lực đấy, ông ạ! - ông nhà báo đồng tình.
THẾ NGUYỄN