Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu xây dựng gói tín dụng cho cán bộ công chức, viên chức... có thu nhập khá vay mua chung cư cao cấp, nhà liền kề.
Dự kiến thời gian vay tối đa là 10 năm và một hộ gia đình có thể vay tới 2 tỷ đồng
Dự kiến người vay sẽ được vay tối đa 2 tỷ đồng, lãi suất cho vay dao động chỉ 6-7,5%/năm, thời hạn vay tối đa là 10 năm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân...
Gói hỗ trợ này sau khi hoàn thiện sẽ được NHNN trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng gói tín dụng này khó có khả năng đi vào thực tiễn.
Được vay tối đa 2 tỷ đồng
Từ ngày thành lập (năm 2004) đến nay, Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM - đơn vị cho người thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở - đã cho khoảng 1.900 khách hàng vay với tổng số tiền trên 610 tỷ đồng. Mức vay bằng 70% giá trị căn nhà, tối đa không quá 400 triệu đồng/trường hợp, lãi suất trước ngày 1-7-2014 là 6%/năm và hiện nay là 5,6%/năm (đã được Nhà nước bù 3%/năm). Người vay là cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có thời gian công tác từ ba năm trở lên, thời điểm vay tiền thì người vay và vợ (chồng) không đứng tên sở hữu nhà ở, đất ở, chưa từng được Nhà nước giải quyết các chế độ, chính sách về nhà ở, đất ở, có hộ khẩu tại TP.HCM. K.YÊN |
Theo ông Đông, gói hỗ trợ này sẽ hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên có thể vay tiền NH để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề... Đối tượng vay là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...
Dự kiến thời gian vay tối đa là 10 năm và một hộ gia đình có thể vay tới 2 tỷ đồng, bằng khoảng 75% tổng giá trị căn hộ mà người vay mua. Mức lãi suất đang được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tính toán sẽ dao động 6-7,5%/năm. Người vay sẽ dùng chính căn nhà làm tài sản để thế chấp khi vay vốn.
“Một trong những điều kiện để xét được vay từ gói này, theo chúng tôi tính toán, tổng thu nhập bình quân hằng tháng của cả gia đình khoảng 25 triệu đồng trở lên. Như vậy, mức thu nhập để xác định được vay vốn ưu đãi từ gói này không phải chỉ là thu nhập của người đứng tên vay mà là thu nhập của cả gia đình gồm của người vay và của vợ (chồng)...” - ông Đông cho hay.
Một trong những căn cứ để nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ nhà ở này, theo ông Đông, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và người dân. Căn hộ bảo đảm nhu cầu ở cho một gia đình 2-3 thế hệ, tức là có bố mẹ và hai đứa con, thêm ông bà nữa thì phải có diện tích 70-100m².
Bên cạnh đó, hiện nay thị trường đang tồn số lượng rất lớn các căn hộ có diện tích này. Do vậy, ngoài gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng có thu nhập thấp thì Nhà nước cần triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng thu nhập khá có thể vay mua ở phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Lý giải căn cứ đưa ra đề xuất trên, ông Đông lấy trường hợp cụ thể cần vay 1 tỷ đồng để mua chung cư cao cấp có diện tích rộng hơn. Nếu họ vay trong 10 năm, với lãi suất 6%/năm thì số tiền cả gốc lẫn lãi mỗi tháng sẽ phải trả khoảng 13 triệu đồng. Như vậy, sau khi trả lãi và gốc cho NH, họ sẽ còn lại tối thiểu 50% tổng thu nhập để chi tiêu dùng sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông Đông, tất cả NH thương mại, kể cả NH thương mại cổ phần không do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, đều được tham gia cho vay. “Nếu gói tín dụng này được chấp thuận sẽ hỗ trợ rất lớn cho cả nền kinh tế chứ không chỉ là doanh nghiệp bất động sản hay các NH và người mua nhà. Nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, nếu chính sách này được chấp thuận, có thể chỉ trong một thời gian ngắn, vài chục ngàn tỷ đồng sẽ được giải ngân” - ông Đông nói.
Liệu có khả thi?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu mà NHNN nhắm tới là rất tốt, nhưng tính khả thi của gói tín dụng này vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Theo TS Lê Thẩm Dương, nếu gói hỗ trợ này áp dụng mức lãi suất cố định như đã công bố, khó có NH thương mại nào dám thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, do rủi ro biến động lãi suất đầu vào quá cao.
“Các NH chỉ có thể tính toán và dự báo được biến động lãi suất trong một thời gian nhất định nào đó, chứ khó có thể dự báo trong một khoảng thời gian đến 10 năm” - ông Dương nói.
Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa đạt tính ổn định trong một thời gian dài, 2-3 năm, các NH không thể tính toán được các rủi ro để áp lãi suất cố định này bằng nguồn vốn kinh doanh của mình.
“Ngay cả Chính phủ cũng huy động vốn trái phiếu thời hạn 10 năm với lãi suất hơn 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay của NH còn phụ thuộc vào biến động của lãi suất đầu vào. Nếu không có sự hỗ trợ của NHNN, các NH thương mại cổ phần khó có thể cho vay với lãi suất 6-7,5%/năm cố định trong 10 năm được” - vị này nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng, với trần lãi suất huy động hiện nay là 6%/năm, chưa kể nhiều NH đã huy động vượt rào lên tới 7%/năm, khả năng cho vay với lãi suất 6-7,5%/năm tại thời điểm hiện nay cũng đã khó khả thi chứ chưa nói là ổn định trong 10 năm.
Theo vị này, phần lớn những khoản tiết kiệm dài hạn hiện nay cao nhất chỉ ở kỳ hạn 13 tháng. Do đó, NH chỉ có thể tính toán cân đối lãi suất đầu ra trong thời hạn này, còn nếu lấy nguồn vốn này cho vay dài hạn thì không thể cố định lãi suất như đề xuất của NHNN.
Ngược lại, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu lãi suất thả nổi, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không dám vay để mua nhà.
“Thời gian qua, nhiều NH trên địa bàn cũng đã đưa ra các gói cho vay mua nhà với lãi suất 3-5%/năm cố định trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi nhưng cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng do rủi ro lãi suất quá cao” - ông Châu nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT NH Đông Á, cũng cho rằng chắc chắn NHNN sẽ không bù lãi suất cho vay đối với gói tín dụng này, mà các NH phải chủ động, tính toán khi lựa chọn khách hàng cho vay và mức lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên, nếu không ổn định lãi suất trong một khung nhất định, người tiêu dùng sẽ không dám vay. “Tôi cho rằng muốn gói tín dụng này đi vào thực tế, bảo đảm được quyền lợi của cả NH và khách hàng, cách tốt nhất là cho thả nổi lãi suất với điều kiện lấy lãi suất trần huy động của NHNN trong từng thời điểm rồi cộng thêm 1-2% để cho vay” - Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần gợi ý.
Tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng Dự kiến ngày 19-9, Bộ Xây dựng và NHNN phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 61 của Chính phủ (ban hành ngày 21-8-2014) về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tại buổi làm việc, hai bên sẽ phối hợp bàn cách thúc đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trong đó có việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ thủ tục ký hợp đồng và giải ngân gói tín dụng cho các dự án. Bởi hiện tại có tới 60/80 dự án xây dựng nhà ở xã hội chưa thể vay vốn từ gói tín dụng để triển khai xây dựng. Do đó, nguồn cung nhà ở xã hội chưa thật sự nhiều, kéo theo việc giải ngân cho các cá nhân, hộ gia đình cũng chưa thật sự cao. Tính đến hết tháng 8-2014, theo Bộ Xây dựng, gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng, với hơn 7.000 hộ gia đình, cá nhân vay gần 2.000 tỷ đồng và 19 dự án với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. |
L.THANH - H.ĐĂNG - L.HOÀI - Đ.DÂN (Tuổi trẻ)