Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành của cả nước.
Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh dự Lễ công bố trực tuyến Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng 15.9, Bộ Giao thông vận tải tổ chức trực tuyến lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 1.9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, hệ thống đường bộ phải bảo đảm kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác (nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay).
Hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ được quy hoạch bảo đảm cân đối hài hòa, hợp lý về địa lý, dân số, quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả đầu tư; phù hợp với các quy hoạch và định hướng quy hoạch bảo đảm tầm nhìn dài hạn; tạo không gian đô thị mới để phát triển kinh tế cho các địa phương, khai thác hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Để bảo đảm tính linh hoạt, mở và sự chủ động trong đầu tư, quy hoạch lần này cho phép các đoạn tuyến đi qua khu vực quy hoạch tỉnh có quy mô lớn hơn để bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư theo quy hoạch này, nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư phần mở rộng theo quy hoạch của địa phương.
Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch mạng lưới đường bộ xác định đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Mạng lưới quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km. Hệ thống 172 tuyến quốc lộ và đường bộ ven biển qua 28 tỉnh thành cũng sẽ được hoàn thiện.
THÀNH ĐẠT