Theo nghiên cứu tại Anh, những người có tiền sử dị ứng, hen suyễn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhất.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Thorax ngày 1.12, do nhóm chuyên gia tại Đại học King's College London và Đại học Queen Mary London phối hợp thực hiện. Dự án này dựa trên phân tích về dân số trưởng thành ở Vương quốc Anh giai đoạn tháng 5.2020 đến thán 2.2021.
Người bị hen suyễn có nguy cơ thấp nhất
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Anh, những người mắc bệnh dị ứng với thời tiết, viêm mũi, có thể có ít nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hơn bình thường. Đặc biệt, nguy cơ mắc Covid-19 thấp nhất ở nhóm người từng bị hen suyễn.
Bên cạnh đó, người châu Á, bệnh nhân béo phì, người sống trong gia đình đông thành viên, giao tiếp xã hội nhiều trở thành yếu tố gia tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Nhóm chuyên gia thu thập những thông tin chi tiết về yếu tố nguy cơ tiềm ẩn mắc Covid-19 ở người trưởng thành tại Anh. Họ muốn đánh giá liệu yếu tố nhân khẩu học, kinh tế-xã hội, lối sống, chế độ ăn uống, tình trạng điều trị y tế và điều kiện cơ bản có thể tiềm tàng nguy cơ mắc Covid-19 hay không.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Anh phát hiện những người bị dị ứng với dị nguyên, hen suyễn có nguy mắc Covid-19 thấp hơn bình thường. Ảnh: Freepik |
Tất cả người tham gia được yêu cầu cung cấp thông tin về tuổi, hoàn cảnh gia đình, công việc, lối sống, cân nặng, chiều cao, tình trạng sức khỏe, bệnh lý mạn tính (nếu có), có sử dụng thuốc hay không, tình trạng tiêm chủng, chế độ ăn uống. Các thông tin này được cung cấp vào thời điểm họ tham gia và cập nhật liên tục sau mỗi tháng.
Trong số 16.081 người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, 15.227 người hoàn thành ít nhất một bảng câu hỏi theo dõi hằng tháng sau 30 ngày hoặc hơn. 14.348 người hoàn thành bảng câu hỏi đều đặn mỗi tháng cho đến khi dự án kết thúc vào ngày 5.2.
Độ tuổi trung bình của những tình nguyện viên là 59, trong đó, 70% là nữ và 95% là người da trắng.
Tổng cộng 446 người tham gia (chiếm tỷ lệ gần 3%) đã mắc Covid-19 ít nhất một lần (được xác định qua kết quả xét nghiệm rRT-PCR) trong suốt thời gian nghiên cứu. 32 người phải nhập viện.
Các nhà nghiên cứu đã tính đến hàng loạt yếu tố có khả năng ảnh hưởng như tuổi, giới tính, thời gian tham gia, chủng tộc, tần suất thử nghiệm, trình độ học vấn, thu nhập, loại nhà ở, số người trong một phòng ngủ, học sinh ở nhà, có vật nuôi, giao lưu với hộ gia đình khác, BMI, tiền sử dị ứng, bệnh hen, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, corticosteroid dạng hít, thuốc giãn phế quản…
Từ những dữ liệu này, họ phát hiện một số yếu tố có liên quan độc lập với sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2. Những người Anh gốc Á hoặc người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với nhóm còn lại.
Tương tự, các yếu tố như số người trong một hộ gia đình, tần suất tiếp xúc với hàng xóm, số lần đến địa điểm công cộng trong nhà, tình trạng thừa cân, béo phì, BMI cao đều làm tăng nguy cơ mắc Covid-19.
Trong một hộ gia đình, số lượng người ở chung và số lần tới các địa điểm công cộng trong nhà càng cao, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 càng tăng theo.
Song, điều khiến họ bất ngờ chính là nhóm bị hen suyễn, dị ứng (do dị nguyên gây ra) gồm chàm, viêm da, viêm mũi dị ứng, có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn 23% so với những người không bị mắc bệnh.
Thậm chí, trong số những người này, nhóm bị hen suyễn có nguy cơ thấp hơn 38%. Con số này vẫn đúng ngay cả khi nhóm chuyên gia tính toán thêm yếu tố sử dụng thuốc corticosteroid dạng hít.
Ngoài ra, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn 53%. Điều này được cho là có thể phản ánh khả năng phòng dịch của họ tốt hơn trước các tác nhân gây bệnh.
Chỉ số BMI, người béo phì, thừa cân, hộ gia đình đông người, thường xuyên đến những nơi công cộng trong nhà... là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19. Ảnh: Freepik |
Trước đây, những yếu tố trên được cho là tác động lớn tới nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Chẳng hạn, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ. Người cao tuổi thuộc nhóm dễ lây nhiễm và dễ tổn thương khi SARS-CoV-2 xâm nhập. Những người có bệnh lý nền, hệ miễn dịch kém cũng được xếp vào nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao.
Trái ngược với các phát hiện trước đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra tuổi già, giới tính nam, chế độ ăn uống, loại thuốc đang sử dụng và tình trạng sức khỏe không liên quan nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.
Dù vậy, đáng tiếc đây là nghiên cứu quan sát nên các tác giả không thể xác định nguyên nhân.
Bên cạnh đó, họ cũng thừa nhận một số hạn chế trong nghiên cứu như không trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm mà nhận kết quả gián tiếp qua báo cáo của người tham gia. Điều này có thể khiến nghiên cứu bỏ qua những F0 không triệu chứng.
Các tình nguyện viên này không có đủ số mẫu đa dạng về chủng tộc, đặc biệt nhóm da màu, người gốc Phi.
Theo Zing