Năm luật vừa được thông qua gồm Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp
Sáng 5.7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, bao gồm Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động
Ngày 14.6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đồng thời, Luật cũng phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi được ban hành.
Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương và 33 điều, với các nội dung chủ yếu về quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động; điều khoản thi hành.
Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.
Khắc phục bất cập, hạn chế trong hoạt động điện ảnh
Để khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong hoạt động điện ảnh hiện nay, ngày 15.6.2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15.
Luật gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2023, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009, nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa-xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quang cảnh buổi họp báo
Luật Điện ảnh năm 2022 có một số điểm mới cơ bản về khái niệm (Điều 3); về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5); về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9); về sản xuất phim (Chương 2); về phát hành phim (Chương 3); về phổ biến phim (Chương 4); về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương 5); về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38); về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đáng chú ý, tại Điều 41, Luật Điện ảnh năm 2022 quy định nội dung hoàn toàn mới về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.
Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm
Giới thiệu về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16.6.2022 tại Kỳ họp thứ 3, với 7 chương, 157 điều.
Tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết ngày 20.6.2019, có hiệu lực từ ngày 1.8.2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của Liên minh châu Âu thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực. Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, như bổ sung quy định liên quan đến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, về hợp đồng bảo hiểm... Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.
Luật cũng phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.
Đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật quy định về sở hữu trí tuệ
Ngày 16.6.2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2023.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2), trong đó có 14 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 6 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo các hiệp định và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, trong đó đáng chú ý là chính sách đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan...
Khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích"
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15.6.2022 tại kỳ họp thứ 3. Luật gồm 8 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 8 nhóm điểm mới chủ yếu, gồm: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây; đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).
Bên cạnh đó, Luật chú trọng nội dung về khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ..., quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.
Luật cũng quy định cụ thể nội dung về khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang;" thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Vietnam+