Sau khi ly hôn, người lớn tìm được hạnh phúc riêng, chỉ có đứa con chung của họ phải gánh chịu tổn thương bởi sự giành giật hơn thua của cha mẹ.
Ông Q. (ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh) và bà Y. (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) chính thức ly hôn vào tháng 3.2011 khi K. - con chung của họ - được gần 2 tuổi. Bản án khép lại, Tòa án nhân dân quận Đống Đa (TP Hà Nội) giao cho bà Y. quyền nuôi con, ông Q. có nghĩa vụ cấp dưỡng và được quyền đi lại thăm nom. Cả hai đều đồng thuận với phán quyết của tòa án.
Nghi án bị bố và mẹ kế bạo hành
Thương con sớm phải chịu nhiều thiệt thòi, bà Y. tạo điều kiện cho K. được gặp bố thường xuyên. Hằng tuần, ông Q. chủ động đón con về nhà chăm sóc. Một thời gian sau, ông Q. chuyển vào TP Hồ Chí Minh ở và lập gia đình mới. Lúc này, K. chỉ được gặp bố vào dịp nghỉ hè hằng năm.
Tháng 6.2017, ông Q. đón K. vào TP Hồ Chí Minh nghỉ hè. Một tháng sau, khi bà Y. muốn đón con về lại Hà Nội để chuẩn bị cho học kỳ sắp tới thì bị ông Q. từ chối. Người mẹ tức tốc bay vào TP Hồ Chí Minh để tìm gặp con.
Khác với suy nghĩ của bà, sau 1 tháng ở với bố, K. lanh lợi, hoạt bát hơn rất nhiều. Nhìn con vui vẻ, khỏe mạnh, bà Y. vui thầm, quyết định để con tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh thêm một thời gian, hy vọng môi trường sống mới sẽ tốt hơn cho con.
Tuy nhiên, tháng 3.2018, trong một lần vào TP Hồ Chí Minh thăm con, bà Y. phát hiện trên người con có nhiều vết bầm tím. Gặng hỏi thì K. cho biết do không hoàn thành bài tập, K. bị mẹ kế đánh. Bà Y. yêu cầu ông Q. để con quay lại Hà Nội nhưng ông không đồng ý.
Thời gian sau, bà Y. nhiều lần liên lạc với chồng cũ để gặp con nhưng đều bất thành. Nghĩ ông Q. đang cố tình ngăn cách tình cảm mẹ con, bà Y. vào TP Hồ Chí Minh tìm con. Tháng 8.2019, bà Y. gặp con và phát hiện K. tiếp tục bị mẹ kế đánh do nghi ngờ ăn cắp đồ của gia đình. Đến tháng 9.2019, bà lại nhận được thông tin K. bị bạo hành với nhiều vết bỏng và bầm tím trên cơ thể.
"Con muốn sống với bố"
Sự việc được cô giáo chủ nhiệm nơi cháu đang theo học phát hiện. Nhìn những vết bỏng rộp nước, những vết lằn bầm tím vì roi trên da thịt non nớt của đứa trẻ 9 tuổi, cô giáo không cầm được nước mắt, nhờ đến cơ quan có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ K.
Tại Công an phường 15 (quận 11), ông Q. khai nhận chính mình là người đánh con vì K. lười biếng, hay nói dối. Bức xúc với cách dạy con của ông Q., bà Y. đề nghị các cơ quan chức năng cách ly K. ra khỏi môi trường hiện tại và điều tra làm rõ sự việc.
Thế nhưng khi được hỏi, K. lại cho biết: "Con muốn ở với bố".
Bà Y. cho rằng ông Q. đã dạy con những điều không tốt về mẹ, để con xa lánh mẹ, uy hiếp con để thay đổi nguyện vọng... Bà làm đơn gửi cơ quan chức năng quận 11 đề nghị thi hành bản án của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, giao con cho mẹ.
Sự việc chưa được giải quyết thì ông Q. lại "tố" bà Y. và cha dượng của K. từng nhiều lần đánh đập, bạo hành K. ở Hà Nội. Ông khẳng định sẽ không "để yên" và họ sẽ gặp nhau ở một phiên xét xử khác để ông giành lại quyền nuôi con.
Những lần bà Y. bay vào TP Hồ Chí Minh để gặp mặt chồng cũ và con là những lần họ cãi nhau không hồi kết. Lấy danh nghĩa của tình yêu và sự bù đắp, họ tranh giành bằng được đứa trẻ, không quan tâm đến những tổn thương, thiệt thòi con phải chịu từ khi bố mẹ ly hôn kéo dài đến tận hôm nay, mà nguyên nhân của những cuộc tranh giành, nói xấu nhau chỉ vì con.
Chưa biết phiên tòa xét xử giành lại quyền nuôi con sắp tới sẽ được giải quyết thế nào, ai sẽ giành được quyền chăm sóc cho K. nhưng dù là bố hay mẹ thì ngoài K., mỗi người họ đều còn phải chăm lo cho tổ ấm mới của mình.
Đừng giành cho có
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng dù còn rất nhỏ, con trẻ đã có suy nghĩ và cảm nhận riêng. Do vậy, khi giành quyền nuôi con, những người trong cuộc nên xem xét mọi khía cạnh, kể cả nguyện vọng của con. Phải đặt quyền lợi, hạnh phúc, cảm xúc của con lên ưu tiên hàng đầu.
"Vậy nên, nếu bố hoặc mẹ thấy mình không có điều kiện quan tâm đến con thì đừng vì sĩ diện mà giành giật quyền nuôi con hoặc ngăn cấm người cũ đến thăm và chăm sóc con. Sự lôi kéo, giành giật, nói xấu nhau của người lớn khiến con trẻ mất đi tình cảm và niềm tin vào cha mẹ" - bà Hồng chia sẻ.
Theo báo Người lao động