Sáng 20/6, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị giám sát về công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn. Hội nghị đã thảo luận nhiều vướng mắc trong quản lý quy hoạch đô thị.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương và lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành, địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã "mổ xẻ" nhiều vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay và phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp.
Trước hội nghị giám sát này, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương có 2 đoàn giám sát trực tiếp về công tác quản lý quy hoạch đô thị tại TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Bình Giang.
Phát biểu kết luận từng nội dung tại hội nghị giám sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu nhấn mạnh cần chú trọng quy hoạch hệ thống xử lý nước thải ở nông thôn, hệ thống cây xanh đô thị và bố trí kinh phí cho hoạt động vệ sinh, chỉnh trang các đô thị trong tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý và rà soát các quy định liên quan đến quản lý trật tự xây dựng đô thị với các loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh về chiều cao tối đa, tối thiểu để bảo đảm xây dựng đúng quy định, quy hoạch, tạo cảnh quan đô thị sạch đẹp, văn minh. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị nhưng còn hạn chế.
Cụ thể, tiến độ hoàn thành lập, báo cáo, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) chậm so với yêu cầu. Công tác lập và tổ chức quản lý quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị ở các địa phương cũng chậm, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư xây dựng (nhất là một số dự án, công trình trọng điểm cấp tỉnh, huyện)...
Cùng với đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch đã được phê duyệt ở những năm trước không cao, tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, thiếu tính định hướng, không có sự nghiên cứu kết nối giữa các địa phương. Việc triển khai lập các chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị của các địa phương theo quy hoạch chung đô thị còn chậm.