Nhiều người cho rằng, mức tiền lương chưa đóng theo mức lương tối thiểu vùng, tiền lương thực tế với tiền lương tham gia BHXH còn có chênh lệch lớn...
Bảo hiểm Xã hội TP Hải Dương hiện quản lý gần 1.200 đơn vị với trên 36 nghìn
lao động tham gia đóng bảo hiểm
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hải Dương hiện quản lý gần 1.200 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) với trên 36 nghìn lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc. Tại hội nghị trao đổi nghiệp vụ BHXH, BHYT đối với các đơn vị SDLĐ trên địa bàn vừa được tổ chức, với gần 1.000 người tham gia đại diện các đơn vị đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các luật.
Nhiều đại biểu cho rằng, mức tiền lương chưa đóng theo mức lương tối thiểu vùng, khi có thay đổi về tiền lương thì đơn vị điều chỉnh tăng lương không đúng theo tỷ lệ, tiền lương thực tế với tiền lương tham gia BHXH còn có chênh lệch lớn. Một giáo viên của trường mầm non ngoại thành phản ánh: Giáo viên hợp đồng trong các trường mầm non lương quá thấp. Tổng thu nhập bình quân từ 2 - 2,7 triệu đồng/người/tháng, đóng BHXH từ 486 - 611 nghìn đồng/tháng. Như vậy, số lương còn lại không bảo đảm cuộc sống.
Một số đơn vị SDLĐ còn để nợ đọng kéo dài, không thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng theo quy định tại điều 92 của Luật BHXH, dẫn đến chế độ của NLĐ bị thiệt thòi, không được hưởng ngay các chế độ ốm đau, thai sản, BHTN như Công ty CP Công trình giao thông Hải Dương, chi nhánh Công ty CP Viglacera Hải Dương, Công ty CP Nam Phát… Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thuân, làm việc cho Công ty CP Đông Đô Plus (đường Nguyễn Lương Bằng, TP Hải Dương) từ năm 2007 đến hết tháng 8- 2009. Công ty không nộp tiền BHXH cho chị từ tháng 9 - 2008. Công ty Đông Đô Plus đã tuyên bố phá sản (năm 2011). Sau đó, chị Thuân chuyển sang làm cho Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật ô - tô Hải Dương từ tháng 9- 2009 đến hết tháng 12- 2010. Tuy nhiên, đến nay, sổ BHXH của chị Thuân chưa "chốt" được, tất cả chế độ BHXH (chế độ ốm đau, thai sản) chị Thuân đều không được hưởng.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phản ánh, NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động ở đơn vị cũ nhưng không lấy sổ BHXH, đến đơn vị mới tiếp tục tham gia BHXH và đề nghị cấp sổ BHXH, vì vậy NLĐ có tới 2- 3 sổ BHXH. Theo quy định thì mỗi NLĐ chỉ được cấp 1 sổ BHXH. Vấn đề này đã gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan BHXH. Ngoài ra, tình trạng gửi đóng BHXH vẫn diễn ra…
Về giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho NLĐ, các văn bản ban hành không đồng bộ, nhất là những trường hợp hưởng các chế độ ngắn hạn, mẫu biểu giấy tờ không thống nhất nên trong việc thanh toán chế độ ốm đau còn khó khăn như: Có bệnh viện chỉ có thẻ ra viện hoặc bác sĩ không đăng ký chữ ký cũng cấp giấy ra viện. Y, bác sĩ không được cơ quan, đơn vị cho phép đăng ký chữ ký cấp giấy nghỉ ốm nhưng vẫn ký cấp giấy nghỉ ốm, thai sản cho NLĐ. Việc thanh toán còn sai sót, chứng từ thanh toán thiếu dấu. Danh sách lập thanh toán sai tiền lương, sai số sổ, không giảm thời gian nghỉ thai sản, nghỉ ốm quá 14 ngày trong tháng. Do vậy, khi gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến cơ quan BHXH phải trả lại. Nhiều đơn vị chi trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe quá mức để lại 2%; việc quyết toán với cơ quan BHXH để cấp bổ sung kinh phí còn chậm, ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ BHXH của NLĐ…
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, BHXH TP Hải Dương đã đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng hơn việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi triệt để lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ từ hành chính sang phục vụ đối tượng. Kịp thời tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn đơn vị và NLĐ kê tờ khai, cấp sổ và cấp thẻ BHYT cho NLĐ làm việc trong các cơ quan, đơn vị và các đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định của Luật BHXH, BHYT; tiếp nhận các hồ sơ giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ chính xác, bảo đảm đúng tiến độ thời gian và quy định, theo dõi tăng giảm, biến động thường xuyên của các đối tượng hưởng chế độ BHXH hằng tháng; kiểm tra, rà soát danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH theo quy định của BHXH Việt Nam. Tập trung chỉ đạo cán bộ làm tốt công tác giám định tại các cơ sở y tế được phân cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khám, chữa bệnh BHYT chặt chẽ đúng quy định tại bệnh viện và các cơ sở y tế được BHXH tỉnh phân cấp; quản lý tốt quỹ khám, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT trong quá trình khám và điều trị bệnh. Thường xuyên kiểm tra tại các đơn vị, kết hợp đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách của đơn vị; kiểm tra, giải quyết trả lời kịp thời các đơn thư khiếu nại, thắc mắc về chế độ BHXH, BHYT.
MINH HẠNH - NGỌC TUÂN