Còn nhiều việc phải làm

25/04/2013 09:10

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ kỹ thuật cao về chăm sóc SKSS thì việc triển khai còn nhiều khó khăn...



Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ
 xã Tiên Động (Tứ Kỳ) thu hút nhiều phụ nữ tham gia


Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS)- KHHGĐ đợt 1 được tổ chức từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4. Đến nay, nhiều huyện đã cơ bản hoàn thành chiến dịch. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ kỹ thuật cao về chăm sóc SKSS thì việc triển khai chiến dịch vẫn còn nhiều khó khăn.

Hướng về vùng xa

Ngay từ sáng sớm, khắp đường làng ngõ xóm ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ), các chị em nô nức rủ nhau đến Trạm Y tế xã tham gia chiến dịch truyền thông dân số - KHHGĐ. Trạm Y tế xã  được trang hoàng khác hẳn ngày thường với băng rôn treo ngay từ cửa vào, khoảng sân được bố trí đầy đủ loa đài, ti-vi, bàn tư vấn, bàn phát tờ rơi, thuốc tránh thai, bao cao su... sẵn sàng tiếp đón chị em đến dự. Do chỉ gói gọn trong 1 ngày nên ngay từ trước đó 1 tuần, cán bộ chuyên trách dân số xã cùng 12 cộng tác viên dân số của 5 thôn đã "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền về thời gian và nội dung triển khai chiến dịch. Hằng ngày, loa truyền thanh xã cũng phát tin, bài tuyên truyền các nội dung về công tác dân số- KHHGĐ tại địa phương.

Trong khi chờ đến lượt làm dịch vụ siêu âm, khám phụ khoa, từng nhóm chị em ngồi trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình tiến bộ, không còn ngại ngùng khi nói đến chuyện chữa trị các loại bệnh phụ khoa. Chị Phạm Thị Kỳ (45 tuổi) cho biết: “Qua nhiều lần tham gia chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ, tôi cảm thấy tự tin hơn với sức khỏe của mình. Đây là dịp để phụ nữ chúng tôi được tuyên truyền, tư vấn, giải đáp các thắc mắc về SKSS- KHHGĐ, khám, phát hiện và điều trị các bệnh phụ khoa. Đồng thời, nắm bắt các chính sách dân số đầy đủ hơn. Từ đó có định hướng cho mình trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con, chăm sóc bản thân, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đồng thời tích cực giúp cán bộ dân số tuyên truyền để ngày càng có nhiều người tham gia chiến dịch, nghiêm túc thực hiện các chính sách dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống". Với sự hướng dẫn tận tình của những người làm công tác dân số và cán bộ y tế, chỉ trong 1 ngày, nhiều chỉ tiêu chiến dịch đã hoàn thành và vượt kế hoạch như khám và điều trị phụ khoa cho 327 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặt dụng cụ tránh thai cho 67 người, 77 người sử dụng thuốc uống tránh thai, 117 người sử dụng bao cao su...

Tiên Động là một trong những xã còn nhiều khó khăn và chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trạm Y tế xã chật hẹp, thiếu nhiều phòng chức năng. Vì vậy, Trung tâm Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện đã tập trung nguồn lực, đưa máy siêu âm và cán bộ về trong ngày triển khai chiến dịch để cung cấp dịch vụ siêu âm, khám phụ khoa cho nhân dân. Theo bà Trương Thị Hồi, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tứ Kỳ, huyện triển khai chiến dịch tại tất cả các xã, thị trấn, nhưng tập trung cao độ cho 14 xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, có mức sinh cao. Để triển khai chiến dịch hiệu quả, Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện đã yêu cầu các xã đẩy mạnh tuyên truyền tại địa bàn triển khai chiến dịch, tập trung vào các đối tượng khó tiếp cận là công nhân đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Các cán bộ dân số tập trung truyền thông vào ngày nghỉ, ngày lễ, hội chùa thông qua sinh hoạt nhóm, phát tờ rơi, giấy mời, treo băng rôn ở các trục đường trong xã. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đưa kỹ thuật cao như máy siêu âm, máy soi- chụp cổ tử cung về tất cả các xã, thị trấn trong ngày triển khai chiến dịch để phục vụ nhân dân. Các xã tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã dành một phần kinh phí từ 1- 2 triệu đồng để hỗ trợ triển khai chiến dịch. Đến nay, đã có 20 xã triển khai chiến dịch, kết quả đạt khoảng 70% chỉ tiêu kế hoạch chiến dịch năm 2013.


Không khí chiến dịch ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) trầm lắng


Còn những trở ngại

Có mặt tại chiến dịch truyền thông dân số- KHHGĐ ở Trạm Y tế xã Hưng Đạo (Chí Linh), chúng tôi thấy không khí có vẻ trầm lắng hơn những nơi khác. Ở đây không chỉ thiếu các phương tiện truyền thông như loa đài, ti-vi mà số người tham dự cũng thưa thớt, rải rác. Anh Vũ Chí Hậu, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: "Các phương tiện truyền thông đã hỏng nên không thể mang ra phục vụ chiến dịch. Công tác tuyên truyền chủ yếu thông qua loa truyền thanh của xã và 12 cộng tác viên dân số ở 8 thôn". Anh Hậu cũng cho biết thêm, thuốc điều trị bệnh phụ khoa còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vào mỗi đợt mở chiến dịch, các cộng tác viên rất vất vả, phải đi từng gia đình để rà soát số người đăng ký tham gia nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch của xã. Tuy vậy, ngoài trợ cấp ít ỏi hằng tháng là 100 nghìn đồng (năm 2012 chỉ có 70 nghìn đồng), các cộng tác viên không có thêm quyền lợi gì khác. Bên cạnh đó, chiến dịch tại xã Hưng Đạo không triển khai dịch vụ kỹ thuật cao mà chỉ có 1 cán bộ của Trung tâm Y tế huyện về phối hợp với Trạm Y tế khám phụ khoa, đặt dụng cụ tránh thai. Vì vậy, khó thu hút nhân dân tham gia. Tham gia chiến dịch chủ yếu là những người trung tuổi, còn đối tượng đích cần hướng tới chưa nhiều do chiến dịch triển khai vào ngày thường.

Theo ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, những khó khăn trên là tình trạng chung của các xã triển khai chiến dịch. Kinh phí hỗ trợ chiến dịch còn hạn hẹp nên tuyên truyền trực quan cũng bị giảm bớt. Các phương tiện truyền thông được cấp cho các xã cách đây khoảng 5 năm cũng đã hỏng hóc gần hết. Đặc biệt ở những xã chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế, trạm y tế chật hẹp không đủ phòng chức năng đạt tiêu chuẩn chuyên môn để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật. Nhiều xã đa số đối tượng cần tiếp cận lại đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nên việc tuyên truyền cũng khó khăn. Một số địa phương như Bình Giang, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, TP Hải Dương... phải tổ chức chiến dịch vào ngày thứ 7, chủ nhật ở một số xã có nhiều công nhân. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, việc chủ động tiếp cận với các biện pháp chăm sóc SKSS- KHHGĐ khá dễ dàng nên khi có chiến dịch diễn ra cũng không mặn mà tham dự. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số còn trẻ, ít kinh nghiệm nên khả năng tham mưu triển khai chiến dịch còn thiếu sự sáng tạo. Vì vậy, kết quả chiến dịch ở một số địa phương chưa cao. Đến nay, trong tổng số 124 xã triển khai chiến dịch, còn nhiều xã mới chỉ đạt khoảng 50- 60% chỉ tiêu kế hoạch.

Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ được triển khai từ nhiều năm nay. Chiến dịch được chia làm 2 đợt, những xã chưa hoàn thành chỉ tiêu đợt 1 sẽ triển khai vào đợt 2 (từ tháng 7 đến hết tháng 9 tới). Đề nghị các ngành, các địa phương cần quan tâm đầu tư triển khai các chiến dịch để mỗi ngày triển khai chiến dịch là một “ngày hội” có ý nghĩa thiết thực với người dân.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều việc phải làm