Còn nhiều trắc trở

04/03/2013 07:25

Công đoàn không chủ động, doanh nghiệp né tránh... là những nguyên nhân chính khiến người lao động ít được phổ biến kiến thức pháp luật...



Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công nhân
tại khu nhà trọ phường Tứ Minh (TP Hải Dương)

Anh Ngô Văn Hùng quê ở huyện Ninh Giang, hiện đang làm công nhân tại Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Toàn Tiến (TP Hải Dương). Trong hợp đồng lao động anh Hùng ký với công ty, có quy định sau 3 tháng vào làm, công ty sẽ đóng các loại bảo hiểm cho anh. Gắn bó với công việc, anh Hùng tích cực làm việc, không vi phạm bất kỳ điều khoản nào theo quy định của công ty. Nhưng đã gần 2 năm làm việc mà anh Hùng vẫn chưa được đóng bất kỳ một loại bảo hiểm nào.

Một số công nhân bị tai nạn trong quá trình làm việc, chi phí cho việc điều trị lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng vì không có bảo hiểm nên ngoài một phần nhỏ hỗ trợ của công ty, người lao động phải chịu mọi chi phí. Có thắc mắc với lãnh đạo doanh nghiệp công nhân cũng không nhận được câu trả lời, thậm chí, công ty sẵn sàng cho công nhân nghỉ việc để tuyển lao động khác.

Gần một năm qua, chị Trần Thị Hà làm việc tại Công ty TNHH PNG Việt Nam (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương). Khi hỏi về những thay đổi trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành trong năm nay, chị Hà không hề hay biết, mặc dù đó là những thay đổi liên quan trực tiếp đến những công nhân, lao động (CNLĐ) như chị. Nguyên nhân theo chị Hà là chưa bao giờ được tham gia các buổi tuyên truyền chính sách, pháp luật. Hầu hết đồng nghiệp của chị tại công ty cũng không biết đến những sửa đổi này.

Trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ đình công với sự tham gia của gần 7.000 CNLĐ. Điển hình là cuộc đình công của công nhân Công ty TNHH Giầy Continuace (ở Tứ Kỳ và Cẩm Giàng), Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên, Công ty HK Vina (Thanh Miện)... Nguyên nhân đình công là do CNLĐ chưa được các công ty quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, xuất phát điểm của các cuộc đình công là do công nhân không nắm vững về luật, không kịp thời đưa ra thắc mắc khi người sử dụng lao động vi phạm từng vấn đề một, chỉ đến khi "tức nước vỡ bờ", nhiều sự việc tích tụ lâu ngày tạo ra bức xúc lớn mới tổ chức đình công...

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, năm 2012, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 97 cuộc tuyên truyền trực tiếp, giao lưu văn nghệ và tìm hiểu pháp luật cho gần 42 nghìn lượt công nhân, viên chức, lao động. Con số này chỉ chiếm 16,8% số CNLĐ đang làm việc tại tỉnh ta.

Bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết: "Để tổ chức được một buổi tuyên truyền phải qua rất nhiều khâu. Trước hết, LĐLĐ tỉnh chủ động đặt vấn đề với công đoàn cấp trên cơ sở. Các công đoàn này lại chỉ đạo về CĐCS. Sau đó, cán bộ CĐCS tham mưu, thỏa thuận với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tạo điều kiện để công đoàn tổ chức tuyên truyền. Có trường hợp, lãnh đạo công ty đã đồng ý, công đoàn các cấp đã phối hợp, lên kế hoạch và gửi giấy mời tham gia tuyên truyền đến các đơn vị liên quan và công nhân. Nhưng với lý do đơn hàng cần hoàn thiện gấp, không thể cho công nhân nghỉ việc, chủ doanh nghiệp lại đột ngột thay đổi ý kiến. Vậy là bao nhiêu tâm huyết cho buổi tuyên truyền thành "công cốc". Thiệt thòi cuối cùng chính là phía CNLĐ...".

Để nâng cao chất lượng, số lượng các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người lao động đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía. Đặc biệt, cán bộ CĐCS cần chủ động đề xuất tổ chức tuyên truyền ở đơn vị mình, tránh tình trạng "trên bảo thì dưới làm" như hiện nay. Chủ doanh nghiệp cần thấy rõ tác dụng của việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động, không nên né tránh, coi đây là việc làm cần thiết để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững. CNLĐ cần tự tìm hiểu kiến thức pháp luật liên quan để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, tránh bị chủ doanh nghiệp vi phạm kéo dài.

PV

(0) Bình luận
Còn nhiều trắc trở