Không có phòng y tế riêng biệt, thiếu dụng cụ, nhân viên chuyên trách… là những yếu tố dẫn tới chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong trường học chưa tốt.
Nhân viên y tế Trường THCS Nguyễn Huệ (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) phải kiêm nhiệm nhiều công việc
Chưa đủ nhân lực, vật lựcTrường THCS Nguyễn Huệ (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) có 535 học sinh đến từ nhiều xã, thị trấn trong huyện. Trường có quy mô tương đối lớn nhưng đến nay vẫn chưa có nhân viên y tế chuyên trách mà người làm thủ quỹ kiêm nhiệm luôn công việc này. Cô giáo Vũ Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Vì là trường học bán trú nên cán bộ y tế phải trực từ 6 giờ 45 sáng đến hết giờ chiều. Do thời gian học sinh ở trường nhiều nên vấn đề bảo đảm sức khỏe cho các em cũng khiến các cán bộ, giáo viên lo lắng nhiều hơn. Khi cán bộ y tế xin nghỉ thì nhà trường phải bố trí 2 người khác không có chuyên môn về y tế trực thay”. Không chỉ thiếu nhân viên y tế chuyên trách mà các trang thiết bị y tế của Trường THCS Nguyễn Huệ cũng chưa bảo đảm theo quy định chuẩn của ngành y tế.
Tình trạng nhân viên y tế không chuyên trách, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như trông coi thư viện, quản lý thiết bị trường học, thủ quỹ, văn thư… đang tồn tại ở nhiều trường học. Một lúc phải làm nhiều công việc nên công tác y tế ở những trường này thường chỉ mang tính hình thức, việc trang bị cơ sở vật chất cũng không được quan tâm nhiều. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cẩm Giàng không có phòng y tế riêng biệt mà được lồng ghép với phòng làm việc của kế toán. Căn phòng nhỏ, chật chội với nhiều dãy tủ, cả phòng có một chiếc tủ kính bày một số dụng cụ y tế đơn giản như kéo, bông băng. Nhân viên y tế của trường kiêm nhiệm phụ trách thiết bị trường học nên thời gian dành cho công tác y tế chỉ khoảng 1/3. Việc tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ do giáo viên môn sinh học đảm nhiệm.
3 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên tỉnh ta tham gia bảo hiểm y tế đều đạt 100%. Cơ quan bảo hiểm xã hội trích lại cho nhà trường 7% trong số đó để phục vụ công tác y tế học đường. Số tiền này phụ thuộc vào số lượng học sinh nhưng thường không chênh lệch nhau quá nhiều do số học sinh của các trường ở các cấp học thường tương đương nhau. Cùng một nguồn chi phí đó song ở những trường có nhân viên y tế chuyên trách thì việc trang bị thuốc men, dụng cụ y tế đầy đủ, hợp chuẩn hơn. Tuy nhiên, theo chị Đồng Thị Nga, nhân viên y tế Trường THCS Kim Đính (xã Kim Đính, Kim Thành), công tác y tế trường học cũng cần khá nhiều khoản chi như thuốc men, đồ dùng sơ cứu, mua thuốc để dọn vệ sinh môi trường. Rồi mỗi năm phải khám sức khỏe cho toàn bộ học sinh. Nếu chỉ có tiền trích lại từ bảo hiểm y tế thì việc chi dùng khá khó khăn.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là một nhiệm vụ của trường học nên tình trạng thiếu nhân lực, vật lực không chỉ phản ánh sự khó khăn mà còn thể hiện việc các trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Chất lượng chăm sóc sức khỏe chưa tốtỞ những trường học thiếu nhân viên y tế chuyên trách, thiếu phòng y tế riêng biệt, thiếu dụng cụ, thuốc men…, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh thường không thể đạt chất lượng cao. Như ở Trường THCS Nguyễn Huệ, khi nhân viên y tế nghỉ thì 2 giáo viên được bố trí thay chắc chắn sẽ không xử lý được các tình huống khẩn cấp cần chuyên môn về y tế. Còn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cẩm Giàng, nếu học sinh ốm mệt cũng không có chỗ nằm mà phải nằm ở phòng bảo vệ thì khó bảo đảm được sức khỏe cho học sinh.
Thiếu nhân lực, vật lực là những thứ dễ dàng nhìn thấy. Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường còn nhiều yếu kém, thậm chí ở ngay cả những trường có cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ. Hiện nay các trường học thường mới chỉ quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh vì đây là quy định bắt buộc phải thực hiện. Song có những trường tổ chức khám khá sơ sài, nặng tính hình thức, ví dụ như chỉ đo chiều cao, cân nặng cho học sinh. Còn các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe hằng ngày của học sinh chưa được quan tâm điều chỉnh cho phù hợp. Theo kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 90% số phòng học của Trường THCS Kim Đính không đủ ánh sáng theo quy định. Nguyên nhân do cách treo bóng điện chưa hợp lý, ở cửa sổ đã có ánh sáng thì treo bóng mà ở những chỗ khuất bóng, thiếu ánh sáng hơn lại không có. Trường THPT Kim Thành II có những phòng học có khoảng cách từ bảng tới bàn học đầu tiên xa hơn so với quy định. Cách bố trí này khiến học sinh ở những bàn cuối lớp nhìn lên bảng khó khăn, ảnh hưởng không tốt cho mắt. Phòng thí nghiệm của trường không có bồn rửa cho học sinh và giáo viên. Trong quá trình làm các thí nghiệm có hóa chất, nếu gặp sự cố thì sẽ không được xử lý kịp thời.
Có một số lỗi trong thiết kế, bố trí mà các trường hay gặp phải như sử dụng bóng đèn bị lóa và ít bóng, treo đèn dưới quạt khiến ánh sáng động, không tốt cho mắt; kê máy tính quá gần nhau… Nhân viên y tế trong trường học là người phải quan tâm, tư vấn cho nhà trường về những cách sắp xếp, bố trí này để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe học sinh. Song đa phần các nhân viên y tế trường học chưa thực hiện được nhiệm vụ đó. Bởi vậy, ngoài bố trí đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất về y tế cho trường học, ngành giáo dục cũng cần quan tâm nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên y tế để công tác y tế học đường thật sự hiệu quả.
HÒA TRANG