Còn nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

01/06/2010 23:49

Triển khai thực hiện Luật BHYT còn gặp một số khó khăn là do văn bản pháp quy của Nhà nước về BHYT có thời hiệu không đồng nhất; việc danh sách người được hưởng BHYT ở cơ sở không chính xác họ tên...


Quy định người bệnh phải đồng chi trả một phần viện phí khiến những bệnh nhân chạy thận nhân tạo gặp rất nhiều khó khăn
Bảo hiểm y tế (BHYT) tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh (KCB). Thông qua quỹ BHYT, việc tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT đã và đang nảy sinh nhiều bất cập cho cả công tác quản lý và người sử dụng quỹ BHYT.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1 triệu thẻ BHYT; 297 cơ sở y tế công và tư tham gia KCB ban đầu cho người có thẻ BHYT. Ngành y tế và BHXH tỉnh đã có nhiều nỗ lực để đưa Luật BHYT vào cuộc sống. Tổng kinh phí KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2007-2009) là hơn 500 tỷ đồng.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thái Trung, quê ở thôn Me, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) tại Đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương. Anh Trung bị bệnh suy thận phải chạy thận đã 7 năm. Mỗi tuần, ngoài 3 ngày đi chạy thận, anh tranh thủ làm phụ vữa, đi bán cây cảnh, bọc, dán điện thoại di động ở vỉa hè để có thêm từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng chi tiêu mỗi tháng. Dù không khỏe mạnh như mọi người nhưng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc vì hy vọng được sống vẫn tiếp tục. Nhưng từ ngày 1-10-2009, khi Luật BHYT mới chính thức có hiệu lực thì sự sống của anh đang bị “đe dọa”. Trung kể: “Vợ em cũng là bệnh nhân chạy thận nhưng sức yếu nên không thể làm thêm. Mỗi tháng, vợ chồng em phải tốn khoảng 300 nghìn đồng mua thuốc huyết áp, thuốc trợ tim. Nay, theo quy định người bệnh nghèo phải cùng chi trả 5% viện phí với quỹ BHYT, mỗi tháng vợ chồng em phải trả thêm hơn 300 nghìn đồng”. Quy định này đã làm đảo lộn cuộc sống của vợ chồng anh Trung. Lẽ ra, cứ vài tháng những người chạy thận như anh lại phải truyền thêm máu, đạm nhưng vì không có tiền nên vợ chồng anh không thể tiếp thêm sức đề kháng cho cơ thể. “Cứ tốn kém thế này cũng không biết lúc nào thì vợ chồng em phải buông xuôi vì gần chục năm chu cấp tiền cho chúng em chạy thận, gia đình đôi bên đã kiệt quệ rồi” - Nỗi tuyệt vọng của anh Trung cũng là nỗi lo của 226 bệnh nhân ở tỉnh ta đang phải chạy thận nhân tạo, bởi bệnh nhân chạy thận phần lớn là người nghèo hoặc đã bị “nghèo hóa” do quá trình chạy thận tốn kém, phần lớn không có khả năng lao động.

Hiện nay, việc triển khai thực hiện Luật BHYT đang gặp một số khó khăn do văn bản pháp quy của Nhà nước về BHYT có thời hiệu không đồng nhất: Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, trong khi nghị định và thông tư liên quan đều có hiệu lực từ ngày 1-10-2009. Công tác phát hành thẻ BHYT gặp khó khăn do quá trình lập danh sách đối tượng ở cơ sở thường đơn giản hóa, không chính xác họ tên, tên đệm. Trẻ em dưới 6 tuổi hiện chưa được cấp thẻ BHYT, vẫn sử dụng giấy khai sinh, chứng sinh khi KCB. Do đó, không có căn cứ để ngân sách cấp kinh phí cho ngành BHXH để ngành cấp cho các cơ sở KCB, bởi không thể thống kê được số thẻ trong khi số trẻ em vẫn sinh ra hằng ngày. Vì luật không nêu rõ người dân có thể sử dụng bản sao giấy khai sinh, chứng sinh để đi KCB cho các cháu đến thời điểm nào nên nhiều người dân không hợp tác trong quá trình làm thẻ. Một số trường hợp khi con em khỏi bệnh, gia đình tự ý bỏ về, không làm thủ tục thanh toán khi ra viện, gây khó khăn cho bệnh viện trong công tác quản lý. Khi thực hiện Luật BHYT mới, quyền lợi của người tham gia BHYT được chia làm 7 nhóm, nhưng do khó khăn về cơ sở dữ liệu nên không thể phân loại các đối tượng ngay từ khi in thẻ dẫn tới người quản lý và người bệnh đều mất thời gian trong quá trình thực hiện. Theo luật, người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, huyện hoặc tương đương. Đây cũng là một vấn đề nan giải đối với công tác phát hành thẻ vì nhu cầu hết sức đa dạng, không thể đáp ứng theo nguyện vọng của từng người cụ thể khi hơn 1 triệu người trong tỉnh được cấp thẻ cùng một lúc. Giá thuốc tăng khó kiểm soát làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Công tác KCB BHYT tại tuyến xã chưa lấy được lòng tin của người bệnh do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực còn hạn chế. Ngoài ra, việc thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông hiện gặp nhiều khó khăn, vì người bị tai nạn giao thông chỉ được thanh toán khi được công an từ cấp huyện trở lên xác minh bằng văn bản là không phạm luật. Tuy nhiên, hầu hết văn bản của công an gửi đến BHXH không nêu rõ người bị tai nạn đúng hay sai. Người tham gia BHYT còn phải chịu thiệt thòi do danh mục kỹ thuật y tế chưa được Bộ Y tế bổ sung kịp thời. Vì vậy, người có thẻ BHYT thường được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học, kỹ thuật sau so với người đóng viện phí, gây thắc mắc về quyền lợi cho người có thẻ BHYT…

Những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật BHYT do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Luật BHYT là một chính sách có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, là chính sách luôn được Đảng và Nhà nước đề cao trong hệ thống an sinh xã hội. Những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện luật cần sớm được khắc phục để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, bảo đảm ý nghĩa nhân đạo của luật, xây dựng một nền y tế công bằng và phát triển.

MAI LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế