Còn nhiều khó khăn

14/03/2015 07:38

Không những thiếu kinh phí cho các chương trình, đề án mà hoạt động của hội đồng khoa học cấp huyện chưa nền nếp, chưa thường xuyên được nhân rộng...



Cà chua Thượng Đạt được bán tại siêu thị Big C Hải Dương


Thời gian gần đây, đến siêu thị BigC Hải Dương, khách hàng có thể chọn mua được cà chua và bí xanh an toàn trồng tại các xã Thượng Đạt, An Châu (TP Hải Dương). Đây là kết quả của đề tài khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm" do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Phòng Kinh tế TP Hải Dương thực hiện. Để có được thành quả đó, các đơn vị đã có một hành trình khá vất vả từ việc khảo sát, chọn hộ dân tham gia đề tài, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn doanh nghiệp làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2014, cà chua Thượng Đạt và bí xanh An Châu đã được cấp chứng nhận VietGAP và tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Big C, siêu thị Co.opmart toàn miền Bắc và nhiều cửa hàng rau sạch tại Hà Nội.


Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương cho biết: "Hội đồng Khoa học và công nghệ (KH-CN) thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố thực hiện đề tài này để đưa các quy trình sản xuất mới đến tận tay nông dân nhằm nâng cao thu nhập cho họ. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở KH-CN để xây dựng thương hiệu cà chua Thượng Đạt và bí xanh An Châu, giúp sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường".

Đến nay, Hội đồng KH-CN cấp huyện đã được thành lập và kiện toàn ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng. Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - hạ tầng là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về KH-CN trên địa bàn.

Không chỉ Phòng Kinh tế, các phòng, ban chuyên môn tại nhiều huyện đã tích cực tham mưu thực hiện các đề tài, dự án khoa học mang lại hiệu quả cao. Anh Đỗ Văn Sáng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc cho biết: "Huyện hiện có hơn 1.200 ha nuôi thủy sản, chiếm gần 20% diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 21 vùng chăn nuôi thủy sản tập trung năng suất đạt gần 7.000 tấn/năm. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh đó, năm 2014, Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc đã tham mưu với huyện triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Phòng cũng sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa”.

Trên phạm vi toàn tỉnh những năm qua nhiều mô hình như sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao, lúa lai mới, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng... đã đem lại lợi ích kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Các chương trình, đề án như “Ứng dụng tiến bộ KH-CN phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”, “Phát triển chăn nuôi tập trung, thuỷ sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô bảo đảm an toàn sinh học giai đoạn 2011-2015”, “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015”… đã cung cấp một lượng lớn các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất mới tới tận tay nông dân.

Hội đồng KH-CN cấp huyện ở nhiều địa phương cũng đã tích cực đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương như sắn dây Kinh Môn, bánh đa Hội Yên, bánh gai Ninh Giang, củ đậu Kim Thành...

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH-CN cấp huyện còn có nhiều hạn chế. Đó là, Hội đồng KH-CN cấp huyện hoạt động chưa nền nếp, chưa có chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và phục vụ đời sống còn chậm, chưa thường xuyên được nhân rộng. Ngoài ra, Hội đồng KH-CN cấp huyện cũng chưa đề xuất được nhiều đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Theo quy định, Chủ tịch Hội đồng KH-CN cấp huyện là lãnh đạo UBND huyện phụ trách KH-CN, số lượng thành viên của hội đồng thường từ 9-11 người, mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 1-2 cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương vẫn chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, nhân sự thường xuyên bị biến động do thay đổi công tác.

Anh Bùi Trọng Thược, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Miện cho biết, ngoài thiếu cán bộ chuyên trách, nguồn lực của địa phương đầu tư cho KH-CN còn ít, nên việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chỉ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực, chưa tạo thành liên kết mang tính đồng bộ và hiệu quả.

Ở nhiều huyện, thị xã, thành phố, việc xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm về hoạt động KH-CN chưa được các địa phương chú trọng. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho KH-CN ở cấp huyện chưa có gì đáng kể. “Từ năm 2014, Sở KH-CN đã cấp cho mỗi huyện 20 triệu đồng phục vụ hoạt động KH-CN, nhưng nhiều huyện không biết chi cho việc gì. Cơ quan nghiên cứu khoa học không được đầu tư tiềm lực, nhân lực chưa đủ, nên hoạt động KH-CN cấp huyện chưa đem lại hiệu quả thực sự trong đời sống”, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở KH-CN cho biết.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều khó khăn