Còn nhiều bất cập

24/08/2014 04:26

Nhiều hộ chăn nuôi mới chỉ đầu tư bể bi-ô-ga để xử lý nước thải của gia đình mình nhưng hiệu quả xử lý chưa cao, khiến môi trường vẫn bị ô nhiễm...



Bể bi-ô-ga của gia đình anh Đỗ Danh Tuấn (xã Hùng Thắng, Bình Giang) chỉ xử lý được một phần chất thải chăn nuôi


Các khu chăn nuôi tập trung (KCNTT) ở tỉnh ta chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho cả khu. Nhiều hộ mới chỉ đầu tư bể bi-ô-ga để xử lý nước thải của gia đình mình nhưng hiệu quả xử lý chưa cao.


Xã Đoàn Kết (Thanh Miện) có 56 ha được quy hoạch là KCNTT. Khu này hình thành từ năm 2005 với 150 hộ dân. Tỉnh đã đầu tư 3,6 tỷ đồng để xây dựng hệ thống điện, trạm bơm nước, kênh mương nhưng chưa hoàn thiện. Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với các hộ là hệ thống xử lý nước thải vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Ông Đặng Xuân Quyện ở thôn Tòng Hóa có hơn 4 sào nuôi lợn kết hợp nuôi thủy sản. Hiện nay, ông mới chỉ làm được 1 hầm bi-ô-ga để xử lý một lượng phân lợn thải ra. Ông Quyện cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi, tôi phải làm thêm 2 hầm bi-ô-ga mới đủ. Hiện nay, nước thải chưa được xử lý tốt, nhiều khi phải thải ra ao nuôi thủy sản, chưa thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường”.

KCNTT xã Hùng Thắng (Bình Giang) có diện tích hơn 20 ha nhưng cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho cả khu mà chỉ có công trình bi-ô-ga ở từng hộ. Anh Đỗ Danh Tuấn ở thôn Nhân Kiệt có hơn 3 ha chăn nuôi lợn, thủy sản. Hiện tại, anh Tuấn có 19 gian chuồng, mỗi chuồng nuôi từ 25 - 30 con lợn thịt và 3 ao cá. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, anh Tuấn đã xây một hầm bi-ô-ga để xử lý nước thải chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, nước thải chỉ được xử lý qua hầm bi-ô-ga sau đó thải ra các ao, tận dụng nuôi cá. Anh Tuấn cho biết: “Việc xử lý nước thải tại KCNTT chủ yếu do người dân tự lo. Về lâu dài, nếu muốn mở rộng quy mô chăn nuôi, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn có hệ thống xử lý cho cả khu để bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 KCNTT theo tiêu chí mỗi khu từ 3 ha trở lên và ít nhất có một hộ chăn nuôi, nhưng chưa khu nào có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho cả KCNTT hiện nay là rất khó do không có kinh phí. Muốn làm được hệ thống này phải có đề án quy hoạch, thiết kế cụ thể. Trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm thử nghiệm chương trình xử lý nước thải ở KCNTT nhưng không thành công do đầu tư quá lớn... 

Thải chăn nuôi bao gồm mùi khai, mùi thối, các vi sinh vật độc hại, phân, chất độn chuồng... Việc xử lý nước thải qua hầm bi-ô-ga chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường chứ không xử lý triệt để được các chất thải phát sinh. Khi các hầm bi-ô-ga quá tải sẽ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thời gian tới, để bảo đảm môi trường trong các KCNTT, các cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa về đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

HOÀNG MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều bất cập