Còn nhiều "lỗ hổng"

05/10/2012 09:23

Những “lỗ hổng” trong công tác quản lý khiến một lượng không nhỏ CTNH vẫn tiếp tục phát sinh, gây ô nhiễm môi trường.



Xã Phạm Kha (Thanh Miện) xây dựng 20 bể đựng vỏ bao bì bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, có bể nằm ngay
trên kênh nước tưới, nước mưa sẽ rửa trôi lượng thuốc thừa trong bao bì và chảy vào các chân ruộng


Đủ loại chất thải nguy hại

Theo số liệu kê khai của các cơ sở khi làm hồ sơ cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (CTNH), tổng lượng CTNH phát sinh ở tỉnh ta khoảng 6 nghìn tấn/năm. Các loại hình sản xuất phát sinh nhiều CTNH là: cơ khí, điện tử, vật liệu xây dựng, y tế, nông nghiệp. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, hầu hết các cơ sở sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử ở khu công nghiệp, doanh nghiệp cơ khí quy mô lớn, sản xuất gạch ốp lát, khung nhôm định hình đều đã đăng ký chủ nguồn thải, xử lý CTNH theo quy định. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều lĩnh vực, cơ sở phát sinh CTNH nhưng chưa được thu gom, xử lý đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một loại CTNH. Mỗi năm, nông dân sử dụng hàng chục nghìn tấn thuốc BVTV để phòng, trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng. Sau khi sử dụng, nhiều nông dân vứt bao bì thuốc bừa bãi xuống bờ ruộng, kênh mương. Lượng thuốc dư thừa ở vỏ bao bì đã gây ra ô nhiễm đồng ruộng. Năm 2011, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 1.160 bể đựng bao bì thuốc BVTV ở 58 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1. Các bể đều được đặt ở đầu bờ lô, lề đường, các kênh mương.  Nông dân ở nhiều xã đã tích cực thu gom bao bì thuốc BVTV để vào bể. Tuy nhiên, các bể đựng này không có nắp đậy nên khi mưa lượng thuốc dư thừa vẫn rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện phát sinh khoảng 500 kg CTNH mỗi ngày. Mặc dù các bệnh viện đều được trang bị lò xử lý rác nhưng quy trình thu gom, xử lý CTNH ở lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Tháng 11 năm ngoái, Chi cục Bảo vệ môi trường đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 21 cơ sở y tế trong tỉnh. Kết quả cho thấy, việc phân loại tại nguồn, lưu giữ tạm thời chất thải rắn nguy hại của hầu hết cơ sở chưa bảo đảm quy định như: chưa có bao bì, dụng cụ đúng quy cách để lưu giữ, vị trí lưu giữ chưa có dấu hiệu cảnh báo, thời gian lưu giữ không quá 48 tiếng... Các cơ sở y tế chưa có sự thống nhất về cách thức xử lý chất thải rắn nguy hại. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại cho các cơ sở khác nhưng không làm thủ tục hành nghề quản lý CTNH theo quy định như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ. Nhiều bệnh viện vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ngoài ra, còn có hàng trăm phòng khám, chữa bệnh tư nhân có phát sinh CTNH nhưng chưa đăng ký chủ nguồn thải và báo cáo quản lý CTNH theo quy định.

Quản lý còn lỏng lẻo

Một trong những biện pháp để quản lý phát sinh CTNH là thực hiện cấp sổ chủ nguồn thải CTNH. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh CTNH lớn hơn 600 kg/năm đều phải đăng ký chủ nguồn thải. Tính đến đầu tháng 9 năm nay, toàn tỉnh có 321 doanh nghiệp được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải. Nhiều cơ sở được cấp sổ đã tích cực thực hiện thu gom, phân loại, xử lý CTNH như các công ty TNHH: Công nghiệp Brother Việt Nam, Uniden Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, Ford Việt Nam... Tuy nhiên, một số cơ sở đã đăng ký chủ nguồn thải vẫn chưa thu gom, phân loại, chuyển giao xử lý CTNH theo quy định. Về thủ tục cấp sổ, chủ nguồn thải tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tình hình phát sinh CTNH, cơ quan cấp sổ không kiểm tra lại việc kê khai trước khi cấp sổ. Do vậy, nhiều trường hợp chủ nguồn thải kê khai mức phát sinh CTNH không sát thực tế. Số lượng cơ sở được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH còn quá ít so với số lượng cơ sở phát sinh CTNH. Lượng CTNH được thu gom, xử lý còn ít. Nhiều chủ nguồn thải chưa ký kết hợp đồng chuyển giao xử lý CTNH cho các chủ vận chuyển, xử lý có giấy phép hành nghề mà ký hợp đồng với các đơn vị không có chức năng này.

Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển CTNH và 3 doanh nghiệp xử lý CTNH được cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, có trường hợp doanh nghiệp có chức năng vận chuyển, xử lý CTNH nhưng lại gây ra ô nhiễm môi trường. Điển hình là Công ty CP Môi trường Tình Thương ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Mỗi ngày, công ty này vận chuyển, xử lý khoảng 20 tấn rác thải sinh hoạt và 1 tấn rác thải nguy hại. Vài năm trước, khói trong quá trình xử lý rác thải của nhà máy gây ra ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh bức xúc. Công ty CP Môi trường Tình Thương đã phải nâng cao ống xả khói để giảm thiểu tình trạng này. Nhưng gần đây, bãi rác thải sinh hoạt ngay trước cổng nhà máy bị đốt gây ra khói mù mịt, ảnh hưởng môi trường không khí. Nói về nguyên nhân tình trạng này, ông Đặng Minh Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Tình Thương cho biết: “10 ngày nay, công ty tạm dừng hoạt động của lò đốt phụ để thực hiện bảo dưỡng định kỳ. Chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng khói do đốt rác này".

Những “lỗ hổng” trong công tác quản lý khiến một lượng không nhỏ CTNH vẫn tiếp tục phát sinh, gây ô nhiễm môi trường. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp còn kém. Ông Phạm Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang cho biết: “Đối với một số doanh nghiệp do tỉnh quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra định kỳ về công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vào kiểm tra thì một số doanh nghiệp không bố trí người có đủ thẩm quyền để làm việc. Khi kiểm tra hợp đồng, hoá đơn thanh toán dịch vụ thu gom, xử lý CTNH thì kế toán lại đi vắng”. Ngoài nguyên nhân do ý thức kém của một bộ phận chủ cơ sở phát sinh CTNH, chúng ta cũng thấy rằng hiệu lực của công tác quản lý CTNH chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động phát sinh CTNH, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành quy định pháp luật.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều "lỗ hổng"