Còn nguyên một sắc cỏ xuân Bồ Đề

09/10/2010 07:13

Có lẽ không mấy người là không biết câu ca dao quen thuộc này: Nhong nhong ngựa ông mới về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn... "Cỏ Bồ Đề" đã đi vào lịch sử. "Cỏ Bồ Đề" trở thành huyền thoại. Tại Thủ đô Hà Nội, có một địa phương mang tên Bồ Đề. Đặc biệt, đê La Thành đã gắn với chiến tích của ngọn cỏ thiêng, cỏ Bồ Đề...

Nhà thơ Trinh Đường một lần dạo chơi trên đê La Thành và phát hiện ra loại cỏ thiêng ấy. Ông "tần ngần chẳng dám bước lên/ Dưới chân e ngọn cỏ mềm kêu đau". Nhà thơ và cỏ gặp nhau. Cỏ như một sinh vật sống, có linh hồn. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng hỏi: "Cỏ sống với nhau thế nào?". Và được cỏ "trả lời": "Chúng tôi đan vào nhau". Có nghĩa rằng cỏ luôn luôn đoàn kết, gắn bó. Trong khi nhà thơ cất cao giọng hỏi "Người sống với nhau thế nào?", hỏi tới ba lần, thì không một tiếng trả lời (!)Xin hãy đọc lại bài Hỏi của Hữu Thỉnh.

Với Trinh Đường, từ vạt cỏ đê La Thành, ông đã khái quát cả một đời của cỏ, một chiều dài lịch sử của cỏ, một không gian sinh tồn và phát triển của cỏ.
Xanh rờn Lũng Cú, Cà Mau
Xuân này cỏ cũng một màu thế chăng?


Lũng Cú, cực bắc Tổ quốc, nằm ở tỉnh Hà Giang. Còn Cà Mau, ai cũng biết, đó là nơi tận cùng của Tổ quốc Việt Nam, hướng về phương Nam. Cả đất nước ta, đâu đâu cũng thấy "cỏ non xanh rợn chân trời" như cụ Nguyễn Du đã từng mô tả. Nhưng với cảm xúc của Trinh Đường, cỏ đâu có vô tình. Cỏ đánh giặc, "âm thầm giăng bẫy trói chân quân thù", như lịch sử đã ghi nhận về cỏ La Thành. Nhưng cỏ còn góp phần xây dựng cuộc sống của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ: Ngăn ngừa, hạn chế tác hại của thiên tai.
Cỏ này chặn lũ mùa thu...
Cỏ nâng tầm đời sống tinh thần của mọi người:
Cho ai đưa bổng cây đu hội làng...


Cỏ, cũng như người, đã sinh sôi, trưởng thành và tồn tại suốt chiều dài lịch sử. "Vua quan lần lượt chết dần/ Còn nguyên một sắc cỏ xuân Bồ Đề". Cỏ đã vượt qua bao đận lở bồi, bao giông bão, qua mọi trầm luân... Với tương lai của dân tộc, cỏ vẫn hiên ngang:
Ráng chiều nghiêng xuống mặt đê
Sông Hồng loáng ánh trăng thề mới trao
Là bởi vì cỏ có truyền thống nghìn đời:
Kể từ đất nước Văn Lang
Phải màu cỏ ấy xanh sang các đời...


Cỏ, ấy là sức sống của dân Việt. Cỏ Bồ Đề, lại là một gương mặt xuất sắc của cỏ... Cỏ trong đấu tranh có chiến tích. Nhưng cỏ cũng rất đời thường đem lại hạnh phúc cho con người: Cỏ non màu áo cô dâu/ Cỏ xanh giọng lý bên cầu giao duyên... Ngọn cỏ mà ta thường thấy hằng ngày luôn luôn cất lên tiếng nói của mình. Hãy lắng nghe:
Chiều nay vọng bóng chiều nào,
Tiếng ai tiếng cỏ nôn nao gọi thầm...


VƯƠNG BẠCH

Cỏ Bồ Đề

TRINH ĐƯỜNG

Dạo chơi trên đê La Thành
Mới nhìn ngỡ tới cỏ xanh lần đầu
Cỏ non màu áo cô dâu
Cỏ xanh giọng lý bên cầu giao duyên
Tần ngần chẳng dám bước lên
Dưới chân e ngọn cỏ mềm kêu đau...

 Xanh rờn Lũng Cú, Cà Mau
Xuân này cỏ cũng một màu thế chăng?
Cỏ này cỏ ngựa Ông ăn
Âm thầm giăng bẫy trói chân quân thù
Cỏ này chặn lũ mùa thu
Cho ai đưa bổng cây đu hội làng
Kể từ đất nước Văn Lang
Phải màu cỏ ấy xanh sang các đời...

 Cỏ xanh qua mấy lở bồi
Qua bao giông bão, mấy hồi trầm luân
Vua quan lần lượt chết dần
Còn nguyên một sắc cỏ xuân Bồ Đề
Ráng chiều nghiêng xuống mặt đê
Sông Hồng loáng ánh trăng thề mới trao
Chiều nay vọng bóng chiều nào
Tiếng ai tiếng cỏ nôn nao gọi thầm
Phút giây gác chuyện thăng trầm
Ngả mình trên cỏ trầm ngâm nhìn trời....


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nguyên một sắc cỏ xuân Bồ Đề