Việc xây dựng văn hóa giao thông không phải chỉ được cho xã hội, mà điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho từng người dân.
Vấn đề an toàn hiện nay đã đặt ra cấp thiết trong nhịp sống xã hội bận rộn, vội vã và đầy phức tạp. Trong đó, vấn đề giao thông và tai nạn giao thông ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc của mỗi gia đình, làm tiêu tốn ngân sách nhà nước. Điều đó chắc chắn nhiều người nhận thức được, nhưng để biến từ nhận thức đúng thành hành động đẹp trong tham gia giao thông như việc chấp hành nghiêm luật giao thông thì còn nhiều người chưa được. Đã có hàng loạt cuộc phát động, tuyên truyền thực hiện văn hóa giao thông nhưng chỉ được một thời gian ngắn chưa đủ làm thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân thì đã chấm dứt.
Việc chấp hành nghiêm luật giao thông mang lại quyền lợi, bảo đảm an toàn cho tính mạng của chính bản thân mình mà nhiều người vẫn vi phạm và cố tình vi phạm. Phải chăng có sự bao che, thiếu công bằng hay không gương mẫu của một số bộ phận, một số người khiến cho tính nghiêm minh, sự tôn trọng pháp luật bị coi nhẹ. Nhiều người luôn chấp hành nghiêm chỉnh vì lý do khách quan vi phạm thì lực lượng chức năng không quan tâm tới việc giáo dục, nhắc nhở để lần sau chú ý hơn mà kiên quyết phạt.
Các giải pháp mà lực lượng chức năng ngành giao thông đưa ra thời gian qua mặc dù có đạt được một số kết quả đáng kể, song thiếu tính bền vững, chỉ làm giảm tạm thời vấn đề giao thông chứ chưa giải quyết triệt để được bài toán giao thông như: ùn tắc, tai nạn giao thông... Theo tôi, mọi vấn đề phải đi từ ngọn nguồn phát sinh của nó. Thời gian trước đây chúng ta đưa ra những giải pháp chỉ mang tính chất tình thế: như hạn chế đăng ký xe, cấm các loại phương tiện tham gia một số tuyến đường, xử phạt nặng... Phải tác động chính vào người dân, những người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chứ không phải phương tiện. Cần tăng cường vào việc thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân. Người giữ gìn trật tự giao thông hãy là những người hướng dẫn, giáo dục và tuyên truyền nhiệt tình nhất, thân thiện nhất và tình cảm nhất để làm thay đổi hành vi tham gia giao thông của mọi người. Điều quan trọng nữa là lực lượng giữ gìn giao thông phải ứng xử công bằng, nghiêm minh với tất cả các trường hợp, không thiên vị, lấy việc giáo dục ý thức, hướng dẫn giao thông là chính.
Giao thông là vấn đề của xã hội, nhưng an toàn giao thông lại là quyền lợi của mỗi người, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và hạnh phúc của mỗi gia đình. Do đó, cần tập trung làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen tham gia giao thông không đúng để xây dựng văn hóa giao thông. Việc xây dựng văn hóa giao thông phải đi từ gốc rễ của vấn đề mới mong đạt được hiệu quả bền vững.
PHẠM XUÂN THÔNG(Gia Lộc)