Chị Xoan cau mày quát và dứt khoát gỡ vòng tay của cậu con trai mười tuổi ra khỏi người mình khi cậu bé sà tới ôm mẹ
-Nào, nào, bỏ tay ra. Lớn rồi nhé!
Rồi chị quay sang phân trần với tôi:
- Đấy, lớn tướng rồi mà chẳng biết cái gì cả cô ạ!
Cu Minh vừa buồn, vừa ngại với tôi, nó đỏ bừng mặt, vùng đứng dậy chạy vụt vào trong phòng. Hình như nước mắt nó tuôn rơi.
Đợi cháu khuất hẳn sau cánh cửa phòng, tôi mới nhẹ nhàng hỏi chị Xoan:
- Chị này, chị thôi ôm cu Minh từ khi nào?
- Ôi dào, bận chết người, lúc nào rảnh mà ôm ấp con đâu em. Có lẽ cũng phải vài năm nay rồi chị không ôm nó. Nó lớn rồi, lại là con trai nên chị cũng muốn nó sớm chững chạc, cứng rắn. Mà cái thằng này cũng lạ lắm. Lần nào ôm mẹ cũng bị mẹ mắng mà nó vẫn nhơn nhơn ra cô ạ! Không biết ngại là gì.
Nghe chị Xoan nói ào ào, tôi tròn mắt nhìn chị. Tôi không hiểu chị đang nói chuyện cùng tôi hay đang trách mắng thằng con trai rất tình cảm của mình? Cái gì mà bận không ôm ấp được con? Cái gì mà con trai lớn rồi phải chững chạc, cứng rắn? Cái gì mà nhơn nhơn ra, không biết ngại là gì?... Có lẽ cái tư tưởng lạc hậu này ăn vào máu thịt phần lớn những ông bố, bà mẹ ở nước ta. Chính các bố mẹ đã dựng lên một rào cản lớn với các con của mình và bắt đầu từ việc ngại chạm vào con. Nếu các bố mẹ năng theo dõi thông tin truyền thông thì đều biết rằng ngay từ khi trẻ vừa lọt lòng đã được khuyến khích thực hiện “da kề da” với mẹ hoặc bố. Bởi theo nghiên cứu thì tiếp xúc da kề da là một cách tuyệt vời nhất để mẹ và con (hoặc bố và con) hòa nhập, truyền cho nhau tình yêu, kết nối tình mẫu tử, phụ tử và mang đến rất nhiều những lợi ích sức khỏe khác từ cái tiếp xúc da chạm da đầu tiên giữa cha mẹ và con. Nhu cầu được ôm ấp, yêu thương đối với mỗi đứa trẻ là vô cùng lớn. Nếu mỗi ngày ta dành một phút ôm con trước khi mỗi người rời nhà để thực hiện công việc của mình là mỗi ngày ta đã cho con một nguồn năng lượng tích cực để con vui sống. Và chính bản thân người lớn chúng ta cũng nhận được từ những cái ôm ấy một sự dịu dàng, ấm áp, một tình yêu thương không gì sánh được. Vậy tại sao chúng ta lại “hà tiện”, lại “tiết kiệm” những cái ôm ấy.
Nghe tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình, chị Xoan ngập ngừng bảo:
- Thật ra không phải là chị không biết những điều ấy. Nhưng mà chị nghĩ là cần cho bọn trẻ trưởng thành hơn. Mà em thấy đấy, nhìn quanh mình, ai ai cũng như vậy cả. Một mình mình làm khác thấy nó sao sao đó.
- Em không nghĩ rằng việc ôm ấp con cái sẽ khiến chúng không thể trưởng thành. Sự trưởng thành của một đứa trẻ không ai đánh giá bằng việc nó đã bị mẹ “cai ôm ấp” từ khi nào.
Tôi cười nhẹ và nói thêm: - Ôm con mình mà lại muốn giống ai hả chị? Sao phải theo số đông khi đó là việc làm không mấy tích cực?
Rồi tôi hỏi chị có nhìn thấy phản ứng của cu Minh khi bị mẹ từ chối cái ôm tình cảm của mình không? Chị có biết là mỗi lần như vậy là chị đã làm tổn thương con, đẩy con ra xa mình không? Và tôi cũng nói với chị, nếu chị không thay đổi suy nghĩ, không thay đổi cách hành xử với con thì sẽ đến một ngày rất gần thôi, giữa chị và con là một trời ngăn cách. Mẹ không hiểu con, con không chia sẻ với mẹ là một kịch bản hiển nhiên đã diễn ra trong rất nhiều gia đình. Như vậy thì không phải ai khác mà chính những người làm bố, làm mẹ đã tước đi niềm tin, tình yêu thương, sự ấm áp trong tim những đứa con của mình chỉ từ một hành động tưởng như rất nhỏ đó là khước từ những vòng ôm của con và quên mất mình cần ôm con mỗi ngày.
Mỗi lời tôi nói ra, hình như đã động chạm đến sự lo lắng đang thường trực trong chị Xoan khi chính chị cũng nhận ra sự xa cách mà cu Minh đã dần dựng lên với bố mẹ. Mắt chị đỏ hoe, hai bàn tay đan vào nhau bối rối, chị đưa mắt nhìn về phía cánh cửa phòng khép chặt của cu Minh đầy ân hận. Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi cũng thấy nhẹ lòng, vì tôi tin, từ giây phút ấy, chị Xoan đã ngộ ra rất nhiều điều và sẽ có những thay đổi tích cực. Tôi tin vào tình yêu thương của những ông bố, bà mẹ dành cho con cái của mình và tôi tin mỗi ông bố, bà mẹ trên trái đất này sẽ luôn sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho các con của mình nếu họ biết những việc làm ấy đem đến hạnh phúc cho các con.
Và qua câu chuyện này, có thể có người cho rằng tôi rất sến súa, yếu mềm. Nhưng tôi vẫn muốn nói với tất cả các ông bố, bà mẹ rằng: với mỗi đứa trẻ, chúng luôn muốn gửi đến bố mẹ một thông điệp đầy yêu thương rằng: “Con muốn được ôm!”, dù chúng ở độ tuổi nào cũng vậy.
TRẦN THUỲ LINH