“Con hổ Á Đông” Lê Quang Liêm

07/08/2011 15:15

“Con hổ Á Đông đại náo làng cờ phương Tây” hay “chàng Carlsen Việt Nam - Lê Quang Liêm” là những nhận xét của báo chí thế giới về kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm.

“Con hổ Á Đông đại náo làng cờ phương Tây” hay “chàng Carlsen Việt Nam - Lê Quang Liêm” (Carlsen là thần đồng cờ vua thế giới người Na Uy, hiện xếp hạng 1 thế giới) là những nhận xét của báo chí thế giới về kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm.

Sự kiện Lê Quang Liêm hai năm liên tiếp (2010 - 2011) đoạt ngôi vô địch giải cờ vua Aeroflot ngay trên đất Nga - xứ sở của những nhà vô địch, những huyền thoại cờ vua thế giới như Kasparov, Kramnik, Khalifman đã khiến người Nga giật mình. Nhà vô địch thế giới Khalifman, người từng huấn luyện cho Quang Liêm đúng 14 ngày trong năm 2010, sau khi chứng kiến những nước đi sáng tạo, bản lĩnh và rất khéo léo của Liêm đã thốt lên rằng “Quang Liêm đúng là chơi cờ rất tài năng. Những tính toán, biến tấu các nước cờ siêu phàm của Quang Liêm nhiều lúc khiến mắt tôi như… muốn vọt khỏi đầu”. Thành công của Liêm đã tạo nên cú sốc cho giới trẻ chơi cờ ở Nga buộc những người có trách nhiệm ở đất nước này phải liên tiếp mổ xẻ công tác đào tạo, xây dựng lực lượng kế thừa của mình. Đặc biệt từ sau chiến thắng này, Liêm vẫn tiếp tục đi tới một cách mạnh mẽ, vươn lên xếp hạng nhất trên bảng xếp hạng các kỳ thủ trẻ thế giới trong khi các kỳ thủ trẻ của Nga vẫn chỉ còn dạng tiềm năng hoặc “chưa thể lớn”.


Lê Quang Liêm đã tạo nên tầm vóc cho thể thao VN trên thế giới - Ảnh: Bạch Dương


Cần được đầu tư liên tục

Quang Liêm là tài năng duy nhất đến thời điểm này của làng cờ Việt Nam phát triển bền vững lên tầm thế giới dựa trên sự đầu tư từ gia đình, xã hội và nhất là nỗ lực của bản thân. Trước đây cờ vua Việt Nam cũng có những tài năng như Đào Thiên Hải, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Bùi Vinh, Nguyễn Anh Dũng… nhưng chưa thể tiến xa. Nhiều người trong số này từng có thời gian dài tập huấn ở Hungaria nhưng việc đầu tư không liên tục, nhất là khoảng thời gian lãng phí sau khi tập huấn nước ngoài khiến họ dần đuối sức, chán nản và chấp nhận an phận ở các giải đấu trong nước và một số giải quốc tế nhỏ. Do vậy để cờ vua Việt Nam, trí tuệ Việt Nam luôn bay cao như hình ảnh Quang Liêm thì TCTDTT, Liên đoàn Cờ Việt Nam phải đầu tư quyết liệt cho lớp trẻ ngay từ bây giờ nếu không muốn tụt hậu.


Trong khi cả làng cờ châu Âu đang phát “sốt” với Quang Liêm thì châu Á đã nhìn thấy đằng sau Anand (Ấn Độ), “con hổ” của Việt Nam là người nhiều hy vọng tiến xa. Ở đẳng cấp châu Á, Quang Liêm hiện xếp hạng ba, sau Anand (Ấn Độ, hạng nhất), Wang Hao (Trung Quốc, hạng nhì), nhưng trong thời gian gần đây kỳ thủ Việt Nam lại tỏa sáng hơn 2 người đứng trên, không chỉ vì thành tích ổn định hơn mà nhiều giải đấu Quang Liêm tham gia đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Chính nhờ dấu ấn này của Liêm mà tên tuổi cờ vua Việt Nam đã qua mặt các nước có truyền thống phát triển cờ vua lâu đời ở châu lục như Philippines, Uzbekistan, Kazakhstan…

Philippines, quốc gia mà cờ vua được đầu tư trọng điểm nhiều năm liền luôn lấy Quang Liêm ra để so sánh với thần đồng cờ vua của họ là So Wesley. Và câu hỏi cũng là thách thức hàng đầu mà họ đặt ra là “bao giờ So Wesley qua mặt được Quang Liêm?”. Điều đó vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng bởi kỳ thủ 20 tuổi của Việt Nam hiện chễm chệ ở hạng 27 thế giới (hạng 1 trẻ thế giới), trong khi So Wesley vẫn đang lận đận với hạng 89 thế giới (hạng 6 trẻ thế giới).

HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam Anatoly (Nga) đưa ra so sánh khác về tầm vóc của Lê Quang Liêm trong làng cờ thế giới. Ngoại trừ Anand trong thời gian trước đây, hiện Quang Liêm chính là kỳ thủ châu Á được mời đích danh tham dự nhiều giải quốc tế hàng đầu thế giới như Capablanca (Cuba), siêu Đại kiện tướng Dortmund (Đức). Điều đó cho thấy, thông qua hình ảnh Quang Liêm, cờ vua Việt Nam đã tạo nên lòng tin lớn cho làng cờ thế giới.

Nói về cơ hội thăng tiến của Quang Liêm, danh cờ Khalifman cho rằng Quang Liêm cần một người thầy giỏi để có những liệu pháp tâm lý cũng như giúp đỡ anh hoàn thiện hơn các nước cờ đa dạng trong quá trình tập luyện. Bản thân Quang Liêm dù đã gặt hái được khá nhiều chiến tích thời gian qua, nhưng anh nhấn mạnh: “Vấn đề bây giờ của tôi là tập luyện và tập luyện. Tôi đặt mục tiêu rõ ràng cho mình là cố gắng nâng cao sức cờ để có thể tham dự nhiều giải hơn nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao thứ hạng của mình. Điều quan trọng là tôi cần HLV thấu hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình để đưa ra giải pháp chiến thuật phù hợp, có lộ trình cụ thể để từ đó tôi vững vàng hơn trên đấu trường đỉnh cao của làng cờ thế giới”.  

Tiền thưởng

Việc có thành tích cao tại các giải quốc tế giúp Quang Liêm trở thành một trong những VĐV thể thao Việt Nam có thu nhập cao. Đơn cử như chức vô địch giải Aeroflot năm ngoái giúp Quang Liêm nhận 21.000 USD tiền thưởng. Đầu năm nay Quang Liêm đã có 3.000 USD tiền thưởng cho thành tích hạng 4 tại giải cờ vua Tata Steel (Hà Lan). Bảo vệ thành công ngôi vô địch Aeroflot 2011, Quang Liêm có phần thưởng 20.000 USD.

Ngoài ra, việc thi đấu cho các CLB tại Đức, Pháp, Trung Quốc từ đầu năm đến nay giúp Quang Liêm có khoản thu nhập khá. Cụ thể, CLB Qingdao Yucai (Trung Quốc) đã trả Liêm 700 USD/ván thắng, 600 USD/ván hòa, 500 USD/ván thua khi Quang Liêm thi đấu cho họ tại giải các CLB Trung Quốc. CLB Bremen (Đức) trả cho Quang Liêm 300 euro/ván thắng khi Liêm thi đấu cho CLB này. Mới đây nhất, thành tích bảo vệ ngôi á quân giải cờ vua siêu Đại kiện tướng Dortmund (Đức) giúp Quang Liêm có thêm hơn 7.000 euro tiền thưởng. Tính ra, Liêm đã có tổng tiền thưởng xấp xỉ 1 tỉ đồng trong năm 2011.


Hoàng Quỳnh(TN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Con hổ Á Đông” Lê Quang Liêm