Tôi về cơ quan cũ, gặp anh bảo vệ ngày xưa vẫn hay niềm nở lời chào. Thấy tôi, anh vô cùng vui vẻ, buông câu hỏi thăm rằng: "Lâu quá không thấy em ghé chơi. Con em học giỏi không?".
- Dạ, thì... Tôi cuối cùng cũng tìm được từ ngữ chung chung phù hợp để trả lời cho cái câu hỏi tưởng đơn giản mà khó nhằn ấy. Bởi lẽ, không hẳn ai cũng có niềm vui được khoe con học giỏi, thành tích này nọ. Càng chẳng phải ai cũng dám đối mặt với sự thật: con mình vừa lì vừa bướng vừa ham chơi lại bề bộn, tất nhiên là học hành lẹt đẹt làng nhàng!
Tại sao lại là "con em học giỏi không?" mà không phải là "em khỏe không?", chẳng hạn? Thời buổi bây giờ, khi những phạm trù của cải vật chất đã ở độ ổn định, sự nghiệp cũng đã chốt, người ta bỗng muốn đầu tư vào con cái. Như một sự so bì âm thầm mà khốc liệt, tưởng giản đơn nhưng lại là cả quá trình chuẩn bị, ganh đua ngấm ngầm mà mạnh mẽ...
Tôi có chị đồng nghiệp trạc tuổi, vào cơ quan cùng một thời điểm, con gái của chị ấy lớn hơn bé Chép nhà tôi một lớp. Năm rồi, con bé săn được học bổng ở New Zealand, được đích thân tổng lãnh sự tận tay trao suất du học danh giá này. Bạn hãnh diện khoe hình ảnh ấy lên mạng xã hội, nhận được vô số lời khen ngợi, chia vui, trầm trồ. Tôi cũng ao ước, thèm muốn, ngưỡng mộ. Dẫu biết rằng, điều đó với con mình là không tưởng.
Mười bốn tuổi, bé Chép nhà tôi đang học năm cuối bậc THCS, đối mặt với kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Thế nhưng, điều bận tâm lớn nhất của con không phải là bài vở, mà sao da lại nổi mụn, sao tóc không mượt, cái cây chì này dùng để kẻ chân mày hay mí mắt thế...
Hễ ba hay mẹ mà sơ sểnh điện thoại ra là bị Chép cầm lấy, tranh thủ nhắn tin hoặc chơi game cho đỡ nghiện. Tôi từ nhẹ nhàng khuyên nhủ, năn nỉ dỗ dành cho tới la mắng tức giận, đều đã dùng qua.
Chẳng phải một đứa bé tư chất chậm chạp hay khó tiếp thu, thậm chí còn rất nhanh trí là đằng khác, nhưng điểm số lẫn học lực của Chép chỉ loanh quanh mức trung bình khá.
Thi thoảng, tôi lại nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi mắng vốn của cô giáo. Khi thì vì Chép quên học bài môn sinh, đi trễ lớp văn hóa ngoài giờ, hay gây chuyện ồn ào trong giờ học. Có lúc còn cả tô son đậm dù nhà trường đã cấm nữa. Dần dà, cứ thấy tên cô chủ nhiệm hiện lên trên điện thoại, tôi giật mình lo âu thon thót.
Vì việc học của Chép, không khí gia đình tôi thường xuyên nặng nề khó thở. Tôi cũng ngại khi tình cờ có ai đó hỏi han con mình học hành thế nào. Vốn chẳng quá quan trọng trường chuyên lớp chọn gì, cứ trường làng mà học, chủ yếu để con phát triển tư chất, được sống thoải mái chút, nhưng rồi tôi vẫn có khi vô thức kể rằng: Con gái của cô Trân làm chung với mẹ ấy, học giỏi dữ dằn, mới săn được học bổng New Zealand chứ chẳng đùa.
Vẫn biết ngay cả trẻ con cũng rất ghét sự so sánh, nhưng tôi vẫn không kềm được. Thầm nghĩ, giá như bé Chép được một góc của con chị đồng nghiệp kia thì hay quá. Hoặc đơn giản hơn, Chép có được chút tự giác ham học, mình đã may mắn biết bao, đỡ nhọc lòng khổ sở biết chừng nào...
Nhìn quanh, kha khá các bậc cha mẹ đã dọn cho bọn trẻ con đường học hành rất rõ, gọi là "định hướng tương lai" sáng sủa. Nhà họ có điều kiện kinh tế, hoặc con họ là đứa trẻ xuất sắc. Đứa trẻ lại không làm biếng, ham mê mấy thứ tầm phào như con mình. Đứa trẻ "ngôi sao" kia trở thành đích nhắm, là điểm cao để tôi và các vị phụ huynh khác nhăm nhe chê trách con mình.
Con mình có đáng trách không? Hẳn rồi. Nhưng lấy con cái để đo sự thành bại của cha mẹ cũng là một cái thước vô cùng khắc nghiệt. Đã thấy đâu đó những lời tự hào khoe con "thi học kỳ một vừa rồi toàn điểm mười". Hỏi rằng con cô ấy học lớp mấy mà giỏi vậy, hóa ra bé mới vào... lớp 1.
Bệnh thành tích ai cũng chối là ta chẳng dính, nhưng sao vẫn cứ thấy mình trĩu nặng khi ai đó hỏi một câu thân tình. Rằng, con em học giỏi không?
Theo Tuổi trẻ