Con đường vươn tới bao khát vọng

30/04/2019 06:05

Để có ngày 30.4, dân tộc ta đã trải qua bao cuộc chuẩn bị cả tinh thần và lực lượng, cả truyền thống lịch sử ngàn năm, cả một khối đoàn kết Bắc - Nam, hậu phương, tiền tuyến...

Cánh cổng dinh Độc Lập - thành trì cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa bị xe tăng quân Giải phóng húc đổ. Ảnh tư liệu

Để có Đại thắng mùa xuân lịch sử, cuộc hành binh thần tốc táo bạo với những “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng...” (Tố Hữu), dân tộc ta đã đi qua một cuộc hành trình với biết bao bước ngoặt, lập nên bao chiến công và những hy sinh mất mát để đến với cái đích cuối cùng là Sài Gòn trưa 30.4.1975.

Lúc cánh cổng dinh Độc Lập, thành trì cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền bị xe tăng quân Giải phóng húc đổ cũng là lúc chính thức lịch sử đặt dấu chấm hết cho cuộc đấu tranh bền bỉ và quyết liệt. Hai chữ “giải phóng”, giải phóng Sài Gòn, giải phóng cả bao dồn nén chất chứa bỗng vang lên trong một ca khúc nổi tiếng kịp thời truyền đi thông điệp “Việt Nam - Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ca khúc như một hiệu triệu nói thay bao nhịp đập con tim, bao náo nức hồ hởi, bao cảm xúc thiêng liêng dâng lên hướng về một con người vĩ đại, lãnh tụ kính yêu trong niềm hân hoan: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Không chỉ trưa nay 30.4 mà trong các cuộc hành quân, những người lính bộ đội Cụ Hồ vẫn có Bác đồng hành: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”…

Để có ngày 30.4, dân tộc ta đã trải qua bao cuộc chuẩn bị cả tinh thần và lực lượng, cả truyền thống lịch sử ngàn năm, cả một khối đoàn kết Bắc - Nam, hậu phương, tiền tuyến. Có một sự ngẫu nhiên, chiến công giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của các chế độ phong kiến và giặc ngoại xâm nhiều lần diễn ra trong mùa xuân - mùa đẹp nhất, mùa mở ra bao khát vọng cho một tiến trình mới. Ta ngỡ còn nghe âm vang những thớt voi trận, những tấm áo bào nhuộm màu khói trận của vua Quang Trung thần tốc đại thắng quân Thanh. Thì trưa 30.4.1975, những con voi thép xe tăng với màu xanh áo lính, chân dép cao su, đầu đội mũ tai bèo của năm cánh quân như năm cánh sao vàng tiến về TP Sài Gòn. Những gương mặt trẻ trung ngời ngời khí thế chiến thắng vẫn còn mang dáng dấp những người lính nông dân thuần Việt năm xưa.

Để có ngày 30.4, chúng ta đã đi qua bao chiến trận từ nhỏ đến lớn, từ du kích đến chính quy, từ Ấp Bắc, Khe Sanh đến Tết Mậu Thân 1968, từ "Mùa hè đỏ lửa" 81 ngày thành cổ Quảng Trị đến trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, cả nước chia nhau đánh trận hợp đồng, hậu phương lớn cũng trở thành trận địa. Có lẽ ít có đất nước nào như Tổ quốc ta phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Âu Cơ của đồng bào, Bà Trưng, Bà Triệu “Cưỡi ngọn sóng Biển Đông” đánh giặc... Mẹ Tổ quốc thật bình dị như dáng dấp tượng hình đất nước, thắt lưng buộc bụng giấu giấy tờ báo tử tiếp tục tiễn con lên đường đánh giặc và nuôi con bằng hạt gạo từ tay mình làm ra. Mẹ là “Bầm ơi”, mẹ là mẹ Suốt…

Để có ngày 30.4, những binh đoàn đã phải giấu mình trong những cánh rừng Trường Sơn. Trường Sơn chất ngất như con đê trên bán đảo. Trường Sơn giấu bao “bào thai chiến dịch” với những đường ống xăng dầu, những cánh võng mái tăng “bầu trời vuông”, những cơn sốt rét rừng. Trường Sơn với những người con gái, con trai “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Trường Sơn cũng là nơi nghĩa trang hàng nghìn bia mộ đã có tên và chưa có tên, chập chờn mộng mị bao bướm trắng dọc khe suối mùa khô. Âm vang chiến trận vẫn còn trong lòng đất với hợp âm ngân vọng mà mỗi nấm mộ quét vôi là một phím đàn. Các anh, các chị vẫn nằm trong đội ngũ hành quân, những ngôi sao vẫn sáng ngời trên mộ, vẫn mắc võng theo đội hình đánh giặc. Trưa 30.4, trước giờ chiến thắng vẫn còn những người lính ngã xuống ở đầu cầu Sài Gòn, ở ngã tư Bảy Hiền... Đường đến Sài Gòn 30.4 là con đường đi qua ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, qua những kênh rạch chằng chịt ở Nam Bộ, là con đường mòn trên biển với những đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Các anh sẵn sàng hy sinh với khối bộc phá ngàn cân để rồi hòa mình vào trong thẳm sâu nước biển xanh ngắt mặn mòi vị muối và cả máu nữa. Cuộc chiến tranh ác liệt cũng chính là nơi thử thách, nơi phát sáng những trầm tích lịch sử của ông cha từ chiến trận Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương. Bây giờ trên các hòn đảo của Tổ quốc thân yêu, chúng ta vẫn có tượng thờ những người anh hùng như: Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ. Thưa Bác, đường đến ngày 30.4 cũng là con đường Bác ra đi tìm đường cứu nước, tìm con đường “cách mệnh”. Sức mạnh Việt Nam chính là sức mạnh trường tồn văn hóa Việt, nhân cách Việt được kết tụ và phát huy phong cách đạo đức sống của Người. Đó là một trong những nhánh hợp lưu phù sa để xuôi về đại lộ tạo ra sức mạnh tổng hợp diệu kỳ của con đường thống nhất đất nước.

Trưa nay, trong dòng người vào thăm Bảo tàng dinh Độc Lập, tôi bồi hồi đứng bên cạnh chiếc xe tăng cách đây 44 năm đã húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập. Bao thế hệ, bao lứa tuổi đã đến đây chụp ảnh, đặc biệt là các bạn trẻ. Những cô gái áo dài thanh lịch duyên dáng làm mềm lại nắng Sài Gòn đang rót mật ong, làm dịu lại dư âm chiến tranh một thời. Nhìn các em nhỏ tung tăng đùa chơi bên khối vũ khí xanh ngời ánh thép tôi lại chợt nhớ các anh buổi trưa năm ấy khi đến đây với bữa cơm dã chiến trong sân dinh Độc Lập mà nhà thơ Hữu Thỉnh - một phóng viên binh chủng thiết giáp đã chớp được khá thần tình trong ống kính tâm hồn của mình: “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/Rau muống xanh như hái tự ao nhà/Trời còn đầy ắp hoa và pháo… ”. Và rồi: "Hàng cây so đũa cùng ta đó/Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng”.

Vâng, trưa 30.4 là cái đích cuối cùng của hành trình chiến thắng. Đường đến ngày 30.4 là con đường vươn tới bao khát vọng, là con đường mở ra cho dân tộc ta “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ý nguyện của Bác Hồ.

Tùy bút của NGUYỄN NGỌC PHÚ

Ngày 30.4, với sự hiệp đồng chiến đấu anh dũng của các lực lượng chủ lực, lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven, nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của nhân dân, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong TP Sài Gòn - Gia Định: Dinh Độc lập (Phủ Tổng thống ngụy), Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát... Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc dinh Độc lập, đánh dấu thời điểm TP Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trên đà chiến thắng, từ ngày 30.4.1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công, nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1.5.1975, toàn bộ lãnh thổ đất liền miền Nam đã được giải phóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường vươn tới bao khát vọng