Con đường tuổi trẻ

15/04/2019 10:46

Cách đây 60 năm, vào tháng 3.1959, hơn 200 chàng trai, cô gái ở Hải Dương lên đường "xẻ núi, san đồi, lấp suối, lấp sông" để mở con đường chiến lược 12B Hòa Bình.

Những cựu thanh niên xung phong Hải Dương gặp lại nhau tại tấm bia ghi dấu thành tích của Đại đội C207 khi hoàn thành con đường chiến lược 12B Hòa Bình

Ký ức về những tháng ngày sôi nổi đó vẫn in đậm trong tâm trí nhiều cựu thanh niên xung phong.

Vượt gian khó

Con đường 12B Hòa Bình được gọi là con đường của tuổi trẻ. 60 năm trôi qua, hơn 200 thanh niên hừng hực khí thế đi mở đường ngày đó giờ người còn, người mất. Người còn sống cao tuổi đã ngoài 90, người ít tuổi nhất đã gần 80.

Ông Nguyễn Minh Sơn, 79 tuổi, quê ở Gia Lộc (nay sống ở TP Hải Dương) bùi ngùi lật lại những tấm ảnh cũ và chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày làm đường gian khổ. Ngày đó, ông Sơn mới 17 tuổi nhưng háo hức khi nghe thông tin Trung ương Đoàn triệu tập thanh niên đi mở đường. Chàng trai trẻ và một số bạn đã khai thêm tuổi để được chọn đi. Ông thuộc Đại đội C207. 

Ông Sơn còn nhớ đó là con đường mòn nằm trong rừng, rất nhỏ, nhưng theo chỉ đạo của cấp trên, đường phải được mở rộng hơn gấp nhiều lần. Công cụ làm đường ngày đó thô sơ, chỉ có cuốc, xẻng, quang gánh nhưng ai cũng xăm xắn làm hết sức mình để con đường sớm hoàn thành. Vừa san đồi, kè núi, vừa gánh đất lấp đầy những chỗ trũng... công việc vất vả nhưng trên công trường luôn rộn tiếng ca. Mọi người đều cổ vũ, động viên tinh thần nhau bằng những tiết mục văn nghệ vui vẻ. 

Không chỉ vất vả, thanh niên còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh, đặc biệt là những cơn sốt rét rừng ác tính. Nhiều người ở miền xuôi lên miền ngược không hợp khí hậu, hay bị sốt rét, một số người đã mãi mãi nằm xuống công trường 12B Hòa Bình. "Mặc dù cơm ăn không được no, áo mặc không đủ ấm nhưng ai cũng động viên nhau làm tranh thủ trời nắng, khắc phục trời mưa, vượt qua khó khăn", ông Sơn nói.

Tuy đã 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Kiến ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về những ngày ông và bạn bè đi mở đường chiến lược. Năm đó huyện Thanh Hà có 35 người cùng đi làm con đường này.  Ông Kiến thấy mọi người đều vất vả nên đã nghĩ ra việc lấy gỗ làm xe cút kít để chở đất. Từ một chiếc xe, các tổ, đội đã nhân rộng ra nhiều chiếc phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu. Vì thế, tiến độ thi công nhanh hơn. Theo kế hoạch, cấp trên giao 12 tháng phải hoàn thành nhưng với sức trẻ và nhiệt huyết của thanh niên, con đường đã hoàn thành trước 3 tháng. "Gian nan, vất vả là thế nhưng đối với mỗi người đó là kỷ niệm của tuổi trẻ không thể nào quên. Trên công trường, chúng tôi coi nhau như anh em, người thân, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, miếng sắn. Trải qua những ngày tháng đó, nhiều người đã trưởng thành hơn", ông Kiến nhớ lại.

Xúc động ngày về

Ngày 15.3 vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình, Bộ Giao thông vận tải, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 60 năm thanh niên xung phong xây dựng xã hội chủ nghĩa, mở đường chiến lược 12B Hòa Bình. Mọi người có dịp tề tựu trên chính con đường xưa, nơi mà 60 năm trước mỗi người cùng đóng góp một phần sức trẻ của mình. Trong buổi gặp mặt đầy xúc động, họ không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc vì còn có cơ hội gặp lại nhau. "Nhiều người dù không biết tên, quên tên nhau nhưng nhìn thấy nhau là cười, ôm chầm lấy nhau vì xúc động, nghẹn ngào. Nhiều người vội giấu đi những giọt nước mắt khi biết đồng đội mình có người đã mất", ông Kiến bồi hồi nhớ lại.

Tại buổi gặp mặt đầy ý nghĩa đó, ký ức về ngày làm đường đã được nhiều người viết thành thơ. Ông Nguyễn Minh Sơn chia sẻ bài thơ "Trở lại Kim Bôi" do mình sáng tác cho đồng đội, trong đó có những đoạn chất chứa ân tình dành cho người miền ngược như "Thương con phá đá mở đường/Mế nghèo san sẻ ngô nương ấm lòng". Câu thơ nặng tình nặng nghĩa, nhớ ơn vì ngày đó họ đã được người dân nơi đây chia ngọt, sẻ bùi những lúc khó khăn, gian khổ. Đối với họ, công trường 12B Hòa Bình giống như một đại gia đình. Ngày hoàn thành con đường, mỗi người một ngả. Những cái ôm ghì, siết chặt, nức nở ngày đó không thể nào lột tả hết cảm xúc chia ly.

Con đường 12B Hòa Bình ngày đó nay là quốc lộ 12B tấp nập những dòng xe chứ không còn heo hút như trước. Tại con đường này, ngày 15.3, Tỉnh đoàn Hòa Bình đã khởi công công trình biểu tượng thanh niên xung phong làm đường chiến lược 12B Hòa Bình. Kinh phí khoảng 300 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và sự đóng góp của đoàn viên thanh niên tỉnh Hòa Bình. Công trình dự kiến hoàn thành trước tháng 12.2019.

MINH NGUYỆT

Năm 1959, Trung ương Đoàn đã thành lập “Đội thanh niên xung phong xây dựng chủ nghĩa xã hội" mở đường 12B Hòa Bình gồm hơn 6.000 người của 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đường dài hơn 48 km, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun đến ngã ba Hàng Đồi (cùng huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Ngày 31.12.1959, con đường hoàn thành, rộng 8 m, góp phần quan trọng vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường tuổi trẻ