Con đường du học đầy chông gai của học sinh Việt: Đơn độc đối phó với dịch!

15/08/2021 16:04

Du học sinh Việt đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập tại nước ngoài, phải đơn độc đối phó với dịch bệnh, khó xin visa, bị hủy chuyến bay, du học "qua màn hình"...

Bất đắc dĩ trở thành du học sinh online

Bắt đầu từ tháng 8.2021, Ngô Thu Anh (19 tuổi, sinh viên Đại học Công nghệ Swinburne, Australia) trở thành sinh viên năm thứ 2. Thế nhưng, trong một năm học vừa qua, Thu Anh chưa từng đặt chân đến Australia, chưa từng gặp gỡ bạn bè mà vẫn phải học trực tuyến tại nhà do đất nước này đang trong tình trạng "đóng cửa" với du học sinh.

Thu Anh chia sẻ: "Vì không được học tập trực tiếp, em ít có cơ hội để kết nối với bạn bè cùng trường. Do đó, em chủ yếu làm quen với các bạn mới thông qua các bài tập nhóm trên lớp".


Thu Anh từng hẹn với một nhóm bạn sẽ cùng nhau sang Australia học nhưng vì dịch bệnh, nay chỉ còn em vẫn đi du học "qua màn hình"

Thu Anh quyết định nhập học vào trường Đại học Ngoại thương và học song song cả hai trường. Môi trường năng động của Ngoại thương đã mang tới cho Thu Anh nhiều người bạn mới, vơi đi sự cô đơn của việc học trực tuyến. Với tình hình hiện tại, Thu Anh dự định học online hai năm tới và đồng thời làm việc ở Việt Nam. Nếu có thể sang Australia, em sẽ hoàn thành nốt hai năm đại học và ở lại làm thêm một năm.

Cùng cảnh ngộ với Thu Anh, Vũ Minh Hà Trang (20 tuổi, Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản) đã trở thành du học sinh online trong năm học vừa rồi.

Theo dự định ban đầu, Trang sẽ nhập học vào Đại học Quốc tế Tokyo vào tháng 9/2020. Lo ngại những nguy cơ đến từ dịch Covid-19, Trang quyết định học một kì tại Việt Nam để đảm bảo an toàn.

Kì học đầu tiên chưa kết thúc thì cô bạn lại nhận tin Nhật Bản đóng cửa các đường bay quốc tế. Bên cạnh đó, từ tháng 1/2021, chính phủ Nhật Bản tạm dừng cấp visa mới, chỉ cho phép các trường hợp đã có visa được nhập cảnh trước ngày 21/1. Do vậy, hồ sơ xin visa của Trang vẫn ở bên trung gian, chờ đợi ngày Nhật Bản duyệt cấp visa trở lại.

Trong tình hình Tokyo vừa kết thúc thế vận hội Olympic và các ca dương tính Covid-19 ngày càng gia tăng, ngày Trang đặt chân tới Nhật Bản có thể còn rất xa.

Con đường du học đầy chông gai


Gia Minh suýt nữa đã không thể nhập học đúng ngày vì chuyến bay bị hủy bất ngờ

Tháng 8 và tháng 9 là thời điểm nhiều du học sinh Mỹ đang chuẩn bị quay trở lại trường cho kì học mùa thu. Nguyễn Lê Hải Yến (20 tuổi, Đại học Villanova) và Phạm Gia Minh (20 tuổi, Đại học Grinnell) cũng không ngoại lệ.

Sau một năm trở lại Việt Nam, một lần nữa, cả hai lại chuẩn bị lên đường, bước vào năm thứ 3 đại học. Hải Yến cho biết để chuẩn bị cho chuyến đi, bạn phải đặt đồ qua các ứng dụng mua sắm trực tuyến thay vì ra siêu thị như hai năm trước.

Trong đợt giãn cách này, Hà Nội cũng thực thi Chỉ thị 16/TT-TTg hết sức nghiêm ngặt, bao gồm hạn chế các dịch vụ vận chuyển. Các món hàng Yến đặt đều bị lùi lịch giao hàng nhiều lần. Với lịch bay vào cuối tuần này, Yến vẫn còn chưa nhận được mắt kính cận của mình.

Yến cũng chia sẻ thêm: "Bên cạnh việc phải mua sắm online, mình cũng không thể đi đo nhãn lực và khám sức khỏe trước khi bay sang Mỹ trong bối cảnh hiện nay".

Đối phó với dịch bệnh ở xứ người

Cũng giống như các bạn du học sinh khác, hành trình tới Nga của Nguyễn Hoàng Mỹ Kim (20 tuổi, Viện Tiếng Nga A.X.Pushkin) không hề dễ dàng. Sau nửa năm chờ đợi và hai lần hoãn bay, Kim đã thỏa nguyện đến được nước Nga vào tháng 4 năm nay. Hiện tại, Mỹ Kim đang là du học sinh tại thành phố Moscow.

Khó khăn lớn nhất đối với cô là thích nghi với cuộc sống mới trong tình hình dịch bệnh tăng cao. Hàng ngày, nước Nga vẫn ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, người dân ra ngoài hiếm khi đeo khẩu trang.


Mỹ Kim (bên trái) cùng các bạn tại Nga

Mỹ Kim cho biết: "Một vài người bạn của mình đã bị nhiễm bệnh nhưng nhờ có sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ bên này, họ đều nhanh chóng hồi phục".

Bên cạnh đó, trường Kim theo học cũng sớm tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ sinh viên. Tuy vậy, Mỹ Kim vẫn cảm thấy tiếc vì dịch bệnh mà không có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ để nâng cao khả năng tiếng Nga. Thậm chí, có những lúc muốn ra ngoài đi chơi, khám phá thành phố nhưng Mỹ Kim vẫn ưu tiên an toàn, ở tại chỗ tránh dịch.

Đặc biệt, gia đình và bạn bè ở Việt Nam lo lắng cũng ảnh hưởng tới tâm lý của Kim. Sau 4 tháng sinh sống, Mỹ Kim đã dần hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người. Kim đặc biệt muốn gửi lời cảm ơn tới cộng đồng sinh viên người Việt tại Nga. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của mọi người, Kim đã có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Mỗi bạn du học sinh đều đang nỗ lực hàng ngày để thực hiện ước mơ của mình mặc cho những khó khăn của tình hình dịch bệnh.

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường du học đầy chông gai của học sinh Việt: Đơn độc đối phó với dịch!