Con đường đánh thức những vùng quê

28/01/2020 06:18

Đường trục Bắc - Nam từ cầu Hiệp đến nút giao với quốc lộ 38B đã hoàn thành trong niềm vui của người dân. Con đường mới mở ra cơ hội lớn cho một số xã của huyện Ninh Giang, Gia Lộc.

Đoạn đường trục Bắc - Nam từ nút giao với quốc lộ 38B đến cầu Hiệp là động lực giúp nhiều xã xa trung tâm của huyện Ninh Giang phát triển kinh tế - xã hội

Làn gió mới

Tiếng người đi chợ sớm í ới gọi nhau vọng ra từ trong màn sương sớm, tiếng gà gáy râm ran khắp làng trên xóm dưới, chốc chốc những chiếc xe vụt qua vội vã... Tất cả những âm thanh ồn ã đầu ngày ấy làm cho cả một vùng quê bừng tỉnh giấc. Đó cũng là lúc ông Phạm Đức Cang lục tục dậy sửa soạn khăn áo ấm rồi tản bộ ra đường trục Bắc - Nam.

Năm nay đã 87 tuổi, hơn ai hết ông Cang (ở thôn Phạm Trung, xã Toàn Thắng, Gia Lộc) thấy rõ những đổi thay của vùng đất này. Những tuyến đường mới giống như "mạch máu" dọc ngang mang sức sống cho các vùng quê, nhất là đường trục Bắc - Nam qua xã. Bây giờ sang Thái Bình rất gần, cứ theo tuyến đường này một chốc là đến.

"Cấp trên quan tâm đầu tư tuyến đường rộng đẹp, không chỉ người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp phát triển kinh tế, làm nông nghiệp dễ dàng hơn", ông Cang phấn khởi nói. Xã Toàn Thắng có 4 thôn thì đoạn đường trục Bắc - Nam đi qua 3thôn Phạm Trung, Bái Thượng và Bái Hạ. Đây sẽ là động lực mới để đổi thay bộ mặt vùng quê này.

Không chỉ ông Cang mà những cán bộ, người dân khác ở xã Toàn Thắng, rồi bên kia là Hồng Hưng, Thống Kênh ở cùng huyện Gia Lộc đều vui mừng khi có con đường mới. Công tác tại UBND xã Thống Kênh từ năm 1992, khi ấy mới 22 tuổi, bản thân ông Vũ Xuân Kiêm, nay là Chủ tịch UBND xã Thống Kênh chưa từng nghĩ xã sẽ có một con đường mới đi qua.

Trước đây, Thống Kênh chỉ có đường liên xã thuộc dự án WB2 dài khoảng 1,8 km. Bao năm qua, 2.096 hộ với 7.540 người dân các thôn Đồng Đội, Lạc Thượng, Kênh Triều và Đồng Tái đi lại khó khăn. Hiện nay, khoảng 3 km đường trục Bắc - Nam đi qua xã như cánh cửa mở toang để xã đón các làn gió phát triển mới.

Trong 3 xã của Gia Lộc có tuyến đường đi qua, Thống Kênh được hưởng lợi nhiều nhất do kết nối được với những tuyến đường hiện hữu, sang tỉnh Thái Bình, về TP Hải Dương, qua Ninh Giang hay lên trung tâm huyện đều thuận lợi.

"9 km sông Đình Đào bao bọc nên bao năm qua đi lại trắc trở, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, dịch vụ, thương mại của xã không thể phát triển. Toàn xã chỉ có một doanh nghiệp may tư nhân ở thôn Đồng Tái với khoảng 100 lao động. Sau khi tuyến đường mở ra, đã có doanh nghiệp về tìm hiểu và ngỏ ý đầu tư một khu du lịch sinh thái. Với đường sá đi lại thuận lợi, xã mong muốn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, giúp địa phương phát triển", ông Kiêm nói.

Theo ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, cùng với các quốc lộ 38B, 37, các tuyến đường tỉnh, lối lên - xuống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường trục Bắc - Nam rất quan trọng để phát triển kinh tế của huyện, nhất là với các xã có tuyến đường này đi qua. Không kể cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đường trục Bắc - Nam là công trình thu hồi đất lớn nhất tại huyện từ trước đến nay.

Đây cũng là công trình kỷ lục được hoàn thành rốt ráo từ giải phóng mặt bằng cho đến thi công mà không gặp trở ngại lớn, nhân dân đồng thuận cao. Ngày 23.7.2018 có thông báo thu hồi 24,5 ha đất của 959 hộ dân thuộc 10 thôn của 3 xã thì đến tháng 6.2019 đã xong giải phóng mặt bằng. Và đến trước Tết Canh Tý, công trình đã được đưa vào sử dụng.

Đổi thay làng quê

Sinh ra và lớn lên ở làng Hán Lý của xã Hưng Long (Ninh Giang) nên ông Nguyễn Văn Yển nhớ rõ giao thông đi lại khó khăn những năm về trước.

Từ trong làng chuyển ra cạnh đường tỉnh 396B nhưng nhiều năm, mọi sự gồng gánh của 2 vợ chồng vẫn không vực dậy được kinh tế gia đình, mà theo ông Yển, tất cả đều do giao thông cách trở. Khi ấy muốn về trung tâm tỉnh, từ xã Hưng Long phải vòng vèo qua ngã ba Tuy Hòa, qua cầu Di Linh, ra Trạm Bóng rồi đi theo đường 38B.

Còn sang Thái Bình thì đò phà cách trở. Rồi có cầu Hiệp và con đường mới, cả vùng quê như bừng tỉnh. Từ Hưng Long chỉ gần hai chục cây số đã tới nút giao cao tốc. Nhà ông Yển đã xây dựng một xưởng may gia công với hơn 10 lao động. Hàng làm đến đâu, ô tô chuyển đi đến đó, sang Thái Bình hay về TP Hải Dương đều tiện lợi.

Cách nhà ông Yển gần 1 km, Công ty CP May Hải Anh nằm sát đường trục Bắc - Nam đang phát triển mạnh mặt hàng may mặc xuất khẩu. Kế hoạch tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, sản xuất hàng xuất đi EU đã thành hiện thực. Giờ đây, không chỉ thuận tiện khi vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, công nhân của công ty cũng đi lại dễ dàng hơn.

Tuyến đường trục Bắc - Nam đi qua 5 xã của huyện Ninh Giang gồm Hưng Long, Hồng Phúc, Tân Phong, An Đức và Hồng Đức. Tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và huyện Ninh Giang nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch các khu ven đường trục Bắc - Nam để phát triển công nghiệp, khu dân cư.

Theo ông Hà Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, cùng với quốc lộ 37, đường trục Bắc - Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đánh thức các vùng quê xa xôi của huyện. Từ đây sẽ mở ra một triển vọng mới để địa phương và người dân phát triển kinh tế - xã hội, đổi thay bộ mặt các làng quê.

TIẾN HUY

Đường trục Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 60 km. Đoạn từ đường tỉnh 392 đến đầu cầu Hiệp (Ninh Giang) dài khoảng 9 km thông xe từ ngày 17.7.2019; đoạn từ đường 392 đến nút giao với quốc lộ 38B dài trên 10km, hoàn thành trước Tết Canh Tý. Hai đoạn trên đi qua 8 xã của huyện Ninh Giang, Gia Lộc. Đoạn đường đã rút ngắn khoảng cách từ cầu Hiệp đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ còn 18 km, giảm 12 km.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường đánh thức những vùng quê